DANIIL KHARMS
(1905-1942)
Daniil Kharms (tên thật là Daniil Ivanovich Yuvachev) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Nga, sinh ra tại St. Petersburg. Thân phụ của ông là Ivan Yuvachev, một thành viên nổi tiếng của nhóm cách mạng “Nguyện Vọng Nhân Dân”. Daniil chào đời trong lúc thân phụ của ông đang bị cầm tù vì hoạt động chống sa hoàng. Sau này, chính Daniil lại bị cầm tù bởi chính quyền “cách mạng” của Stalin, rồi chết đói trong tù.
Từ năm 1924, Daniil Kharms bỏ trường đại học và dấn thân vào văn chương. Năm 1928, ông sáng lập nhóm OBERIU (Hiệp Hội Nghệ Thuật Thực Sự) với các thành viên là những nghệ sĩ tiền vệ triệt để. Chế độ Stalin không chấp nhận nghệ thuật của nhóm này, nên đã bắt nhốt Daniil Kharms vào năm 1931 và đày ông từ St. Petersburg đến Kursk. Năm 1932, ông được thả trở về St. Petersburg và vừa viết vừa sống nghèo đói lây lất cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào năm 1941. Họ nhốt ông trong trại tâm thần của nhà giam Leningrad số 1, và ông chết ở đó vào ngày 2 tháng 2 năm 1942, vì đói.
Năm 1962, một số tác phẩm ông viết cho thiếu nhi mới bắt đầu được ấn hành, và sau đó họ cho in một số truyện khôi hài của ông. Mãi đến năm 1987, chính sách glasnost mới cho phép xuất bản hàng loạt các tác phẩm chính của Daniil Kharms.
Nhà văn George Saunders nhận định: “Kharms nằm trong cùng một tủ sách với Tolstoy, Chekhov, và Babel... như một trong những nhà tiền phong vĩ đại của truyện ngắn đương đại. Trong thể loại này, truyện ngắn của ông sẽ là những tác phẩm ngắn gọn nhất, khôi hài nhất, và ở những phương diện nào đó, trung thực nhất... Truyện ngắn của ông gần như không có hình hài, nhưng vừa bạo động, buồn bã, vừa khoái hoạt và kinh hoàng trong cùng một lúc.”
Năm 1998, một số truyện cực ngắn và thơ của Daniil Kharms đã được Vladimir Miller và Alexandr Alexandrov phổ nhạc và thu vào đĩa CD, dưới nhan đề Kharms - 10 Incidents - Moscow Composers Orchestra.
_____________
[MỘT ANH CHÀNG LỊCH SỰ, VÓC NGƯỜI HƠI THẤP...]
Một anh chàng lịch sự, vóc người hơi thấp, với một hòn đá cuội thò ra từ con mắt, bước đến trước cửa một tiệm thuốc lá và dừng lại. Đôi giày đen bóng nhoáng của anh toả sáng trên bậc tam cấp bằng đá dẫn vào cửa tiệm. Hai mũi giày của anh chĩa thẳng vào trong tiệm. Chỉ bước thêm hai bước nữa là anh đã khuất sau cửa tiệm. Nhưng vì lý do nào đó, anh lần khân, giống như anh cố ý đặt cái đầu anh cho đúng vào chỗ hòn gạch đang rơi xuống. Thậm chí anh đã giở mũ ra sẵn, phơi cái đầu hói, và vì thế hòn gạch rơi trúng vào cái đầu hói, làm vỡ xương sọ, và cắm vào trong óc. Anh chàng lịch sự không ngã xuống. Không, anh chỉ hơi loạng choạng vì cú nện khủng khiếp ấy. Anh rút một chiếc khăn tay từ trong túi, chùi khuôn mặt nhớp nháp vì máu và óc vỡ, rồi xoay về phía đám đông đang tụ tập chung quanh, anh nói: “Đừng lo lắng, thưa quý bà và quý ông. Tôi đã được chủng ngừa rồi. Quý vị có thể thấy: tôi có một hòn đá cuội trong con mắt bên phải. Đó cũng chỉ là một lần gặp tai nạn. Tôi đã quen với điều ấy. Bây giờ thì mọi sự đều tốt đẹp và duyên dáng cả thôi!”
Nói xong, anh chàng lịch sự đội mũ lên đầu và bước về một góc phố nào đó, mặc cho đám đông còn sững sờ kinh ngạc.
(1939-40)
Comments