PSN - 28.01.2009 | Nguyễn Ước
I. Triết học là gì
II. Triết học để làm gì
III. Lý do học triết
IV. Các kiểu luận cứ khác nhau
V. Các phạm vi triết học được sách này đề cập
VI. Tiếp cận triết học Ðông phương
VII. Các truyền thống tư tưởng Tây phương
VIII. Có đáng để chịu chết không?
I. Triết học là gì?
Triết học, tiếng Anh là philosophy, tiếng Pháp là philosophie. Cả hai tiếng ấy có gốc từ tiếng Hi Lạp philosophià (philo: tình yêu; sophìa: sự khôn ngoan, hoặc minh triết).
Theo Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh, triết học là “thứ học vấn nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh”.
Theo Việt Nam từ điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, triết học là “môn học chuyên tìm tòi cái gốc của vũ trụ và việc sinh sống của vạn vật”; và triết lý là “cái lý sâu xa mà phải vậy của mọi sự vật, mọi lý do, mọi nguyên lý trên đời”.
Theo từ điển Concise Oxford Dictionary, triết học là:
“...hành động tìm kiếm minh triết hoặc tri thức đặc biệt ứng xử với thực tại tối hậu hoặc với các nguyên nhân hay nguyên lý tổng quát nhất của vạn vật, và các tư tưởng, tri thức và tri giác của chúng ta về chúng, các hiện tượng vật lý (triết học tự nhiên) và luân lý (triết học đạo đức).”
Như thế, xét theo nghĩa đen, triết học là tình yêu sự khôn ngoan hay minh triết. Triết học là sự khảo sát một cách có hệ thống với tinh thần phê phán cách thức chúng ta suy xét, đánh giá và hành động, nhằm mục đích làm cho bản thân mình khôn ngoan hơn, suy tư hơn, và do đó, nhân tính hơn.
Triết học là hoạt động và là nỗ lực tìm cho ra các nguyên lý tổng quát và các ý tưởng nằm đằng sau những khía cạnh muôn hình muôn vẻ của cuộc sống. Có thể nêu hai thí du. Triết học chính trị đặt những câu hỏi (vấn nạn) về công bình và bình đẳng, về cách tổ chức quốc gia và nhà nước cùng ý nghĩa thật sự của các ý niệm chính trị, như trật tự hoặc công bình xã hội. Triết học tôn giáo bàn về việc có hay không có Thượng đế, bản chất và cứu cánh của ngôn ngữ tôn giáo, nguồn gốc của cái ác, v.v...
II. Triết học để làm gì?
Khảo sát các thuật ngữ Trong sinh hoạt thường ngày, thỉnh thoảng diễn ra những cuộc tranh luận giữa người làm chính trị thuộc các tổ chức đối lập nhau, các nhóm có những lợi ích xã hội khác nhau, hoặc giữa những người có cùng mối quan tâm tới thời cuộc. Lúc ấy, thường xảy ra chuyện người tham dự sử dụng những thuật ngữ tuy giống nhau nhưng mang nội hàm khác nhau.
Cách riêng, có những kẻ muốn vận động sự ủng hộ của người khác bằng cách cố ý sử dụng các từ ngữ phổ quát với nội dung uyển chuyển để rồi có thể tùy nghi biến hóa cho phù hợp với sách lược và mục tiêu giai đoạn của họ. Ðồng thời cũng không hiếm trường hợp có những người vì xuất thân từ những bối cảnh khác nhau nên thường có khái niệm không giống nhau về một số thuật ngữ mang nội dung khá trừu tượng.
Shakespeare đã để cho nhân vật Macberth của ông mô tả tình trạng ấy bằng những lời cụ thể mà ta có thể đem ra để mô tả nhiều cuộc diễn thuyết và diễn văn dành cho công chúng ngày nay:
... đó chỉ là truyện kể lể
cũ kỹ của một gã khờ,
chỉ toàn lời la và tiếng rú
chẳng ý nghĩa gì!
Ðể tránh ngộ nhận, giảm dị biệt, tạo tương thông và đạt kết quả tốt, điều thiết yếu là cần khảo sát các thuật ngữ được các bên đối tác hay đối thủ đề cập trong khi tranh luận hoặc đối thoại. Thêm nữa, các bên tham dự cần thăm dò nội dung của từ ngữ và ý định của nhau khi sử dụng chúng. Ta có thể đặt các câu hỏi như: “Bằng thuật ngữ đó, chúng ta có ý nói gì?” “Từ ngữ đó có những hàm ý gì, có nội dung nào?”
Ðối với hai câu hỏi thuộc loại như thế, ta có thể tìm thấy trong các từ điển tiếng Việt, thậm chí các cuốn liên quan tới lãnh vực tranh luận, như từ điển chính trị học, từ điển xã hội học, v.v. đôi dòng gợi ý hoặc lời giải thích ý nghĩa của một thuật ngữ, nhưng nói chung, chúng vẫn khái quát và không thể nào đi sát với vấn đề đúng theo bối cảnh hiện tại của nó.
Vì thế có người nghĩ rằng triết học đã không theo kịp thực tế mà còn khô khan và quá hàn lâm. Có thể triết học là như thế, nhưng không phải chỉ một mình nó có các đặc tính ấy, còn có những môn học khác cũng khô khan và hàn lâm không kém. Thí dụ một bài toán hoặc một bản vẽ kỹ thuật. Ðối với người “ngoại đạo”, chúng hình như có ít ý nghĩa, nhưng đối với người am hiểu những gì chúng đang diễn tả, họ sẽ thấy nội dung của chúng thích đáng và thú vị.
Làm sáng sủa tư tưởng Triết học cũng giống hệt như thế, không có ngoại lệ. Nó nhìn từng lãnh vực của đời sống và đặt các “câu hỏi lớn lao”. Tùy theo chủ đề, bạn có thể chia triết học thành những lãnh vực đa dạng: triết học tâm trí, triết học tôn giáo, triết học khoa học, triết học chính trị, mỹ học, v.v. Bạn có thể thăm dò các cách thức cá biệt hoặc đặc thù khi làm triết học, hoặc khảo sát triết học từ quan điểm lịch sử. Thí dụ như trong triết học Tây phương, bắt đầu với các nhà tư tưởng Hi Lạp thời cổ đại – cách riêng Plato và Aristotle – và nhìn vào con đường phát triển của nó qua hàng chục thế kỷ.
Trên con đường phát triển ấy, triết học nhằm mục đích làm sáng sủa các tư tưởng, các khái niệm và ý nghĩa của ngôn ngữ. Vì thế, hiểu một cách cụ thể, việc bạn triết học hóa một đề tài tức là bạn đang suy nghĩ một cách sáng sủa và chính xác về đề tài đó.
Nếu khi nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, bạn có thể truy tầm khái quát quá trình tiến triển của các ý tưởng và sự phát triển tiệm tiến của những kiến thức liên hệ. Thỉnh thoảng, có sự thay đổi hệ qui chiếu và có sự phát hiện cách thức mới mẻ trong việc nhìn sự vật, nhưng nói chung, những thay đổi đó có tính ngoại lệ hơn là qui luật. Ngược lại, trong khi học triết, cùng với việc lần tìm quá trình tiến triển của các ý tưởng, bạn đồng thời có thể khám phá ra rằng có một số vấn đề tuy đã được người Hi Lạp thăm dò từ thời cổ đại, nhưng đến hôm nay chúng vẫn được ráo riết tranh luận, và rằng một số triết gia không ngần ngại bác bỏ tận gốc rễ công trình của các triết gia khác.
Bất kỳ thời đại nào, triết học cũng thường xuyên đề nghị triết gia nhìn lại các vấn nạn cũ và diễn đạt các ý tưởng bằng phương cách mới, cùng tìm kiếm các quan điểm mới về mục đích và chức năng của chính nó.
Hai cấp bậc phát biểu Phần lớn triết học có liên quan tới ngôn ngữ. Thật thế, có một số triết gia xem toàn bộ công trình của họ chỉ mang tính ngôn ngữ học. Tuy vậy, để đánh giá một công trình triết học, điều quan trọng là bạn phải phân biệt giữa ngôn ngữ ‘cấp một’ với ngôn ngữ ‘cấp hai’. Dưới đây là một ít thí dụ:
Cấp một: “A gây ra B”
Cấp hai: “Có ý gì khi nói rằng A gây ra B?”
Cấp một: “Làm thế này có đúng không?”
Cấp hai: “Có ý gì khi nói rằng điều gì đó là ‘đúng’?”
Cấp một: “Không có Thượng đế.”
Cấp hai: “Nhưng, ngôn ngữ tôn giáo là gì, và làm thế nào có thể xác minh những lời quả quyết mang tính tôn giáo?”
Ngôn ngữ cấp hai làm sáng sủa ngôn ngữ cấp một. Trong khi thực hiện chức năng đó, nó đồng thời làm sáng sủa tư tưởng nằm đằng sau ngôn ngữ ấy. Triết học quan tâm chủ yếu tới ngôn ngữ cấp hai. Có thể triết học không có khả năng bảo cho bạn biết một điều nào đó là đúng hoặc sai, nhưng chắc chắn nó sẽ làm sáng sủa những nền tảng để bạn có thể căn cứ vào đó mà lập quyết định.
III. Lý do học triết
Khi truyền đạt cho người khác, bạn dùng ngôn ngữ. Nếu bạn không chỉ lặp lại những gì được bạn nghe thì lúc đó, ngôn ngữ của bạn phát sinh từ ý tưởng và quan điểm của chính bạn. Các ý tưởng và quan điểm ấy tự thân chúng lại phát sinh từ kinh nghiệm cuộc sống và từ bối cảnh giáo dục của bạn, những cái vốn có thể bị ảnh hưởng bởi các thái độ đã được người đời chấp nhận và các quan điểm của xã hội trong đó bạn chào đời.
Ðể lập quyết định chính xác Triết học cung ứng cho bạn cơ hội để thăm dò các vấn nạn và để xem xét một cách chính xác những gì các nhà tư tưởng đã phát biểu về chúng trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Ðiều ấy trong tự nó đã có giá trị, vì nó giải phóng bạn khỏi tình trạng bị giới hạn bởi những giả định mà từ trước tới nay chưa từng bị những người sống chung quanh bạn chất vấn.
Suy nghĩ thấu đáo các đề tài từ những nguyên lý đầu tiên là kết quả tự nhiên của hành động nhìn vào con đường mà các triết gia đã và đang đi bằng công trình của họ. Triết học còn giúp cho tư tưởng của bạn được sáng sủa. Càng suy nghĩ mạch lạc và sáng sủa, bạn càng có khả năng diễn đạt trung thực ý tưởng của mình và càng sở đắc cách thức xem xét chính xác cùng lập quyết định đúng đắn về cuộc đời mình.
Ðể xác minh lời phát biểu Tiếp đến, như chúng ta đã thấy, triết học khảo sát và làm sáng sủa ngôn ngữ. Nó là một công cụ để làm lộ rõ những gì vô nghĩa và để diễn đạt các ý tưởng một cách sáng sủa nhất có thể được. Thí dụ, triết học tạo sự phân biệt giữa hai loại phát biểu: một có tính “phân tích” và một có tính “tổng hợp”. Một phát biểu phân tích được xem là đúng khi người ta hiểu định nghĩa về từ ngữ của nó.
Phát biểu 2+ 2 = 4 là kiểu mẫu chính xác của loại phát biểu phân tích. Bạn không bị bắt buộc phải bước ra ngoài phát biểu ấy để thu thập các cặp gồm từng hai khoản một rồi bạn lần lượt đếm chúng theo thứ tự để xác minh nó. Bạn không thể nào tuyên bố chiến thắng và công bố rằng bạn đã tìm thấy một trường hợp riêng lẻ có khả năng giúp bác bỏ qui luật ấy, nghĩa là có hai cặp của hai nào đó mà khi cộng lại bạn thấy chúng thành năm!
Ðối với phát biểu phân tích, không cần đòi hỏi bạn phải nghiên cứu hoặc xét nghiệm. Nhưng nếu tôi nói rằng một người nào đó hiện có mặt tại nhà của anh ta thì phát biểu ấy không thể là đúng theo kiểu mẫu vừa kể. Ðể xác minh, tôi phải gọi điện thoại tới nhà anh ta hoặc ghé qua ngôi nhà đó. Người ta có thể dễ dàng chứng minh phát biểu ấy là sai, và vì thế, nó không có khả năng luôn luôn đúng một cách chắc chắn.
Nhưng nếu có người nói rằng “Có Thượng đế”, thì phát biểu đó có tính phân tích hay tổng hợp? Liệu bạn có thể xác định “Thượng đế” theo cách cho rằng sự hiện hữu của Ngài là điều không thể tránh? Nếu như thế, liệu có thể có bằng chứng thích đáng nào để biện hộ hoặc để bác bỏ phát biểu ấy? Luận cứ biện hộ có thể bắt đầu bằng:
a. Thượng đế là mọi sự đang hiện hữu.
b. Mọi sự đang hiện hữu thì hiện hữu.
c. Do đó, Thượng đế hiện hữu.
Ðể thấy đúng thực tại Luận cứ ấy nghe có vẻ có lý, nhưng nó hàm ý rằng “Thượng đế” và “mọi sự đang hiện hữu” là hai thuật ngữ có thể đổi chỗ cho nhau. Ðây là thuyết phiếm thần, với ý tưởng rằng Thượng đế và thế giới thì y hệt nhau, và vì thế, luận cứ ấy hoàn toàn thuận lý. Thế nhưng, hầu hết người ta có hàm ý gì khi dùng chữ “Thượng đế”? Còn đối với cách nhìn của chúng ta thì “mọi sự đang hiện hữu” có hàm ý gì?
Chúng ta quan sát và thấy rằng mọi sự trong thế giới này không thể không tránh khỏi bị liên tục biến đổi. Và tới một thời điểm nhất định, sẽ không tồn tại mọi sự đang hiện hữu. Như thế phải chăng có nghĩa rằng Thượng đế mang tính phiếm thần thuyết ấy cũng liên tục biến đổi? Tại Hi Lạp thời cổ đại, cách đây 2.600 năm, ngay từ đầu thế kỷ 6 trước Công nguyên (CN), triết gia Heraclitus (? - 460 trước CN) trong khi xem xét cuộc thế vô thường, đã nói rằng con người không thể bước hai lần xuống một dòng sông vì nước giữa đôi bờ đang liên tục biến đổi.
Thế nhưng, có phải cũng vẫn ngôi trường thuở ấy không nếu các tòa nhà đã được thay thế, ban giảng huấn đã bị thuyên chuyển, từ năm học này sang năm học khác, học sinh của nó lần lượt ra đi và được thay thế bằng các lượt học sinh khác? Và liệu tôi có thể vẫn cứ là tôi thuở ấy không dù hầu hết các tế bào trong thân thể tôi đang thay đổi và các ý nghĩ của tôi đang liên tục chuyển động? Cái “Tôi còn lại” là cái gì trong suốt cuộc đời tôi?
Các vấn đề triết học Bằng nội dung của các câu hỏi ấy, chúng ta đã chạm tới một số vấn đề chủ yếu của triết học:
1. Siêu hình học: Nghiên cứu về thực tại, về những gì đang thật sự hiện hữu;
2. Tri thức luận: Các vấn nạn (các câu hỏi) về những sự vật nào chúng ta có thể biết và bằng cách nào chúng ta có thể biết chúng;
3. Triết học tôn giáo: Những vấn đề nằm đằng sau các ý tưởng và ngôn ngữ tôn giáo;
4. Triết học tâm trí: Nghiên cứu bản tính của cái tôi (cái ngã, bản ngã).
“Hãy tự biết mình” Những vấn đề vừa kể minh họa một đặc tính khác của triết học cùng lý do chính đáng và tốt lành khiến chúng ta nên học triết: bạn có thể bắt đầu từ bất cứ vấn nạn nào và rồi bạn sẽ thấy mình bị lôi kéo vào việc xem xét hết vấn nạn này tới vấn nạn khác. Câu châm ngôn vượt thời gian, được khắc trên đền Delphi ở Athens, và được Socrates dùng làm con đường triết học là: “Người ơi, hãy tự biết mình”.
Hãy bắt đầu cuộc lên đường bằng cách bắt đầu đi vào “bản thân mình”, và rồi bạn sẽ thấy rằng các vấn đề siêu hình học hoặc tôn giáo bị cuốn hút vào cõi tư duy của bạn. Bằng việc dùng kỹ năng triết học, bạn có phương tiện để hội nhập các ý tưởng của mình, để gắn chúng liền lạc với nhau và để kiểm tra rốt ráo chúng nội trong phạm vi rộng lớn của các vấn đề ấy.
IV. Các kiểu luận cứ khác nhau
Người ta có thể trình bày triết học bằng nhiều cách khác nhau. Thí dụ Plato thích dùng hình thức đối thoại. Do đó, triết học chính trị của ông trong cuốn Republic (Nền cộng hòa) có một nhóm các nhân vật; mỗi người trình bày và tranh cãi cho một quan điểm cá biệt. Các triết gia khác thì từ từ mở các nội hàm tiềm ẩn trong lý thuyết đặc thù của mình ra theo cách tuyến tính, nghĩa là cái này nối tiếp cái nọ theo một đường thẳng.
Dĩ nhiên có một số triết gia dùng tới lối tiếp cận có tính phân tích và diễn dịch hơn. Họ chiết các ý tưởng đã được người khác chấp nhận thành những yếu tố rõ ràng và đơn giản nhất. Kế đó, họ nỗ lực khởi sự từ đầu để đưa ra một tường trình về những gì có thể biết một cách chắc chắn. Ngoài ra, cũng có luận lý học thuần túy trong đó sử dụng ngôn ngữ nhân tạo để làm sáng sủa và sắp đặt tính chất luận lý cho ngôn ngữ thông thường.
Triết học và ngôn ngữ Trong triết học có một thời kỳ – khởi sự từ đầu thế kỷ 20 – lúc ấy công tác độc nhất được đặt ra cho triết học là làm sáng tỏ ý nghĩa của ngôn từ. Người ta cho rằng toàn bộ triết học liên quan tới ngôn ngữ, và một khi vấn đề ngôn ngữ học được giải quyết thì mọi cái khác cũng tự nhiên sẽ được giải quyết. Ngày nay, quan điểm ấy nhường chỗ cho một viễn cảnh rộng rãi hơn.
Quả thật triết học liên quan tới ngôn ngữ; nó chủ yếu là để am hiểu ngôn ngữ bạn đang sử dụng, nhưng cùng lúc ấy, triết học còn có tầm quan trọng vượt lên trên ngôn ngữ. Triết học thăm dò các ý tưởng và các khái niệm căn bản được diễn đạt bằng ngôn ngữ, và rồi nó tiếp tục chuyển động để thăm dò các đặc tính về thế giới vốn không thể được soi sáng nếu không có một quá trình tư duy và phân tích nghiêm chỉnh.
Không có gì chắc chắn Dĩ nhiên không phải các triết gia lúc nào cũng đồng ý với nhau về cách ứng xử của triết học hoặc về các giá trị của nó. Năm 1980, Alfred J. Ayer (1910-1989), triết gia quá cố của Ðại học Oxford, Anh quốc, và là người nổi tiếng với công trình về “thuyết thực chứng luận lý”, khi trả lời trong một cuộc phỏng vấn về tác phẩm ấy, đã bình phẩm những công trình đa dạng của các triết gia khác. Bằng lối nói bộc trực, ông đề cập tới ý tưởng của triết gia hiện sinh Ðức Martin Heidegger (1889-1976) về “Hư vô”. Ayer cho rằng đối với ông dường như ý tưởng ấy là “hoàn toàn rác rưởi” và rằng thỉnh thoảng người ta có thể có ấn tượng về nó chẳng qua là vì họ thích bị kẻ khác chọc cho hoang mang rối rắm.
Trong chương 9, chúng ta sẽ xem xét ngắn gọn công trình của Heidegger. Sau khi đọc đoạn tóm lược đó, bạn có thể cảm thấy mình nghiêng về phía đồng ý với Ayer, hoặc bạn có thể cảm thấy Heidegger đang mô tả điều gì đó có tầm quan trọng hơn sự phân tích dựa trên lý tính của Ayer về những gì được biết tới và được mô tả. Ở cấp bậc sơ khởi này, điều mà bạn cần nhận biết một cách cốt yếu là không phải mọi triết gia đều đồng thuận về các đề tài được triết học hóa, các cách thức xử lý chúng trước đây cùng các kết luận đã đạt được. Có nhiều triết gia bảo lưu những ý kiến đối lập nhau. Thậm chí còn có triết gia có những ý kiến khác nhau về cùng một đề tài, trong những đoạn đời khác nhau.
Triết học thì chẳng có gì chắc chắn. Không một bộ phận nào được thiết định vĩnh viễn và không một công trình nào không bị chất vấn. Ðúng hơn, như đã nói từ lúc bắt đầu chương dẫn nhập này, triết học là một hoạt động đang tiếp diễn – và người làm triết học thường đặt câu hỏi hơn là chỉ tìm cách đưa ra câu trả lời.
V. Các phạm vi triết học sẽ được đề cập
Hai vấn nạn nền tảng Có hai vấn nạn căn bản liên quan tới triết học, đó là:
1. Bản tính của thực tại là gì? Thế giới chúng ta đang sống có cấu trúc ra sao? Những vấn nạn ấy dính líu tới siêu hình học: những câu hỏi sâu xa và tổng quát ấy nằm bên dưới loại chứng cớ mà khoa học có khả năng khảo sát. Thuật ngữ bản tính (nature) được dùng tới trong sách này có thể hiểu là thực tính, thực chất hay bản chất; phẩm chất và đặc tính tự nhiên hay điển hình của người, của vật hay của một vấn đề.
2. Chúng ta có thể biết chắc chắn những gì? Cái gì lập thành chứng cớ có cơ sở? Có chân lý nào tuyệt đối không? Ðây là thuật ngữ nói theo tri thức luận, tức lý thuyết về sự am hiểu.
Thêm vấn nạn thứ ba Cùng với hai vấn nạn cơ bản trên là vấn nạn đang tiếp diễn về ngôn ngữ. Không những dùng tới ngôn ngữ, triết học còn bị buộc phải phân tích nó, thách đố nó và thăm dò cả những giới hạn của nó lẫn cách thức chứng minh một lời phát biểu là đúng hoặc sai. Luận lý học hình thức là lãnh vực mà bạn, người đang học triết, phải biết tới; ít nhất là nhìn thoáng qua cách thức sắp xếp các lập luận của mỗi luận cứ, để bạn tiến hành cuộc tranh luận một cách thuận lý.
Các chủ đề khoa học, tâm trí và tôn giáo đều có tính cách trung tâm đối với bất cứ việc học hỏi nghiêm chỉnh nào về triết học, và chúng minh họa cách thức áp dụng các vấn nạn triết lý cơ bản về ngôn ngữ và ý nghĩa vào các chủ đề cá biệt.
Còn có các lãnh vực khác Nhưng loài người vốn không chỉ tìm cách hiểu rõ thế giới của mình mà còn sống trong thế giới ấy, chọn lựa trong thế giới ấy và tự tổ chức mình thành xã hội. Do đó triết học trình bày hai lãnh vực thực tiễn của cuộc đời: đạo đức học và chính trị học. Cả hai sẽ được xem xét trong chương 7 và chương 8.
Tới chương 9, chúng ta sẽ lướt nhìn truyền thống triết học lục địa ở châu Âu kể từ thế kỷ 20 trở về trước, gồm hiện tượng luận và chủ nghĩa hiện sinh, cùng các lãnh vực khác của triết học châu Âu hiện đại trong khoảng ba mươi năm nay, thí dụ thuyết giải cấu trúc hoặc chủ nghĩa hậu hiện đại, vốn có hàm ý dành cho kiến trúc, mỹ thuật, văn chương cũng như triết học.
Sang chương 10, chúng ta sẽ đề cập một cách đại cương ba ngành triết học để có thể “nếm trải” thêm đôi chút những gì đang có sẵn. Mỹ học xem xét nghệ thuật, đặc biệt các bộ môn nghệ thuật, và cố gắng xác định những gì chúng ta có ý nói qua cái đẹp; triết học lịch sử nhìn cách chúng ta mô tả quá khứ; và triết học giáo dục khảo sát công tác và chức năng của tiến trình giáo dục.
Sau cùng, trong chương chúng 11, chúng ta sẽ nhìn chức năng và toàn bộ các lãnh vực được triết học vào đầu thế kỷ 21 này bao gồm, và tính đại chúng tương đối của nó.
VI. Tiếp cận triết học Ðông phương
Một nhận xét chưa đúng Triết học không bị giới hạn trong cương giới của một nền văn hóa nào hoặc một lục địa nào. Nội dung triết học được giới thiệu trong sách này và được giảng dạy tại các khoa triết ở hầu hết các trường đại học trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu, và Bắc Mỹ, là triết học Tây phương. Tuy thế, đó mới chỉ là phần cơ bản nhỏ bé trong truyền thống triết học lớn rộng hơn rất nhiều.
Nói chung, triết học Ðông phương bao gồm các hệ thống triết lý và tôn giáo chủ yếu tại Ấn Ðộ, gồm các truyền thống đa dạng được gom chung thành Ấn giáo, cùng với triết học Phật giáo và Kỳ na giáo, và tại á đông gồm Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản với tư tưởng của Nho giáo và Ðạo học cùng những phát triển về sau của Phật giáo.
Người ta thường nói tới sự khác biệt sâu rộng giữa triết học Ðông phương và triết học Tây phương, rằng triết học Ðông phương có tính tôn giáo; nó quan tâm cực độ và đồng đều tới cả cứu độ lẫn tri thức, trong khi đó triết học Tây phương có tính thế tục, được nhiều người xem gần như một chọn lựa thay cho tôn giáo. Nhận xét ấy không hoàn toàn đúng.
Tinh thần vô phân biệt Tại Tây phương, Kitô giáo, Do Thái giáo, đạo Islam (Hồi giáo) ảnh hưởng sâu xa lên tư tưởng triết học, và triết học của tôn giáo tiếp tục đóng vai trò quan trọng, làm thành một khía cạnh của triết học. Tại Ðông phương, dù triết học được xem là vấn đề quan trọng đối với thực tiễn và tâm linh, nhưng quá trình lập thuyết và tranh luận có thể được xem xét trong tự thân nó, hoàn toàn tách biệt với bất cứ nội hàm tôn giáo nào. Người ta cũng có thể xuyên tạc hoặc làm méo mó tư tưởng Ðông phương để rút tỉa cho ra sự phân biệt giữa tôn giáo và triết học: thí dụ, Phật giáo xem con đường chế ngự khổ não có liên quan tới sự am hiểu các chân lý nền tảng của cuộc đời.
Vấn đề không phải là tách biệt học thuyết tôn giáo ở mé bên này và tư tưởng thế tục ở mé bên kia – nghĩa là xem xét nó bằng việc sử dụng lối phân biệt ấy, mang tính cách Tây phương và hoàn toàn không thích đáng, đặc biệt khi xem xét tư tưởng Ðông phương. Bởi thế với số trang khiêm tốn của cuốn sách này, chúng tôi dành phần lớn nội dung để giới thiệu các lãnh vực của triết học Tây phương. Chúng tôi xin để phần nói tới triết học Ðông phương với những nỗ lực thăm dò và trình bày nó cho cuốn Ðại cương triết học Ðông phương trong tủ sách triết học tổng quát này.
VII. Các truyền thống tư tưởng Tây phương
Thế hệ đi sau được xây dựng trên các ý tưởng và các giá trị của thế hệ đi trước, đôi khi bằng cách bác bỏ và thay đổi chúng, đôi khi bằng cách chấp thuận và triển khai chúng. Dù theo cách nào đi nữa, ngôn ngữ và tư tưởng của bạn không thể không chịu ảnh hưởng của các thế hệ tư tưởng gia Tây phương, trong trường hợp thí dụ bạn đang sống ở châu Âu hay châu Mỹ, hoặc chỉ sang du học hoặc thường xuyên đọc sách báo của họ. Sự nhận biết di sản của loài người, cái là nền tảng cho các tư tưởng và các định chế, cùng sự nhạy cảm đối với cách thức chúng tăng trưởng và triển khai, giúp chúng ta nhận thức sâu xa nền văn hóa chung của thế giới, nghĩa là của con người – dù nhận thức ấy đưa tới hành động chỉ trích hoặc chấp nhận toàn bộ ý tưởng ấy hay chỉ chấp nhận đôi chút.
Hai cách tiếp cận Ta có thể tiếp cận triết học từ một số góc cạnh khác nhau. Cách thứ nhất là liệt kê các vấn đề chính có liên quan tới triết học; kế đó, nhìn vào cách thức được các triết gia khác nhau sử dụng để xem xét chúng. Cách thứ hai là nghiên cứu tổng quát lịch sử. So với các cách khác, cách thứ hai được đa số tán thưởng, vì nó vén lộ những quan tâm của mỗi thời kỳ lịch sử. Nó cho thấy cách thức mà các tiền giả định của các nhà tư tưởng phát sinh từ bối cảnh xã hội cá biệt của mỗi người.
Hơn nữa, cách thứ hai còn vén lộ một điều khác. Mỗi thế hệ, dù đang ở trên quá trình tiến triển về triết học, trong khi học hỏi các thế hệ đi trước mình, vẫn thường có nhiều cơ hội khác nhau để quay trở lại quá khứ gần gũi hoặc xa xăm nhằm thẩm tra thêm nhiều lần các nan đề chính, tức là các vấn nạn nan giải, tới lui đều khó giải quyết.
Trong lời dẫn vào cuốn sách tổng quan triết học Tây phương của mình có nhan đề Philosophy and philosophers (Triết học và triết gia), Penguin, 1994, trang ix, John Shand viết:
“Tính cách đặc biệt của triết học là quay trở lại nơi bắt đầu các chủ đề khác biệt nhất, rồi thăm dò và thẩm tra chúng sâu xa hơn. Triết học thảo luận các vấn đề lâu dài, phát sinh từ đời sống tư tưởng. Một trong những nét hấp dẫn nhất của triết học là nó nối kết các nhà tư tưởng sống trong những thời đại tư tưởng khác nhau và tìm thấy nơi họ các đề tài có cơ sở giống nhau.”
Hiểu theo ý nghĩa nào đó, ý kiến trên có thể làm ta nãn lòng. Tại sao tới hôm nay, một sinh viên ngồi trong một giảng đường nào đó ở Việt Nam vẫn phải học về Plato ở mãi thời cổ đại Hi Lạp? Tại sao lại mất thì giờ cho một học trình khảo sát các chủ đề mà phần chủ yếu của chúng bị khống chế bởi những kẻ đã chết từ lâu như Plato, Aristotle, Descartes, Hume? Và tại sao lại phải mày mò tìm đọc các văn bản thế kỷ 20 này của Russell, Ryle hoặc Ayer, mà nội dung của chúng chỉ xoáy sâu vào các đề tài cũ rích?
Không có đề tài nào lỗi thời Ðiều quan trọng là nhận ra, như Shand tiếp tục trình bày trong cuốn sách đáng đọc của ông, rằng viễn cảnh lịch sử vén lên nhiều “tầng tầng lớp lớp” tư tưởng vẫn còn thích đáng đối với các vấn đề đang được triết học quan tâm. Quan điểm của Plato về xã hội hoặc cách thức am hiểu của ông về bản tính của thực tại; ý tưởng của Aristotle về quan hệ nhân quả; cuộc truy lùng của Descartes về cái chắc chắn – hết thảy những đề tài ấy vẫn còn thích đáng dù ngày nay thuật ngữ được dùng để trình bày chúng không còn giống với thuật ngữ của các triết gia ngày xưa.
Triết học dò sâu vào các tiền giả định của bất cứ lập luận nào hoặc bất cứ lời tuyên bố nào. Nó nhìn bối cảnh của các giả định, kế đó, nó lục lọi nền tảng xuất phát của từng cái cùng nội hàm của nó và các luận cứ biện minh cho nó. Các đề tài về chân lý không bao giờ bị giới hạn về phương diện lịch sử. Cái hình như có giá trị ở một thời điểm nhất định vì đã được chứng minh bằng những luận cứ chắc nịch vẫn có thể không đúng theo ý nghĩa tuyệt đối hoặc thường trực. Thế nhưng, ngược lại, ta không nên gạt bỏ một luận cử chỉ vì nó được đề ra trong một bối cảnh văn hóa với ngôn ngữ được sử dụng rất khác với bối cảnh văn hóa và lối nói của chúng ta ngày nay.
Phải sai mới đúng Karl Popper (1902-1994), một triết gia thế kỷ 20, trong khi khảo sát cách khoa học đạt được tiến bộ, đã nhấn mạnh sự kiện rằng một lý thuyết nếu quả thật có tính khoa học, nó phải có khả năng bị chứng minh là sai hoặc lệch. Người ta đạt được tiến bộ không phải nhờ vào việc bố trí một chuỗi liên tục các thí nghiệm thành công và chứng minh lý thuyết ấy đúng, nhưng do bởi việc tìm thấy các thí dụ ở những chỗ nó thất bại. Sự thất bại của một lý thuyết làm sản sinh lý thuyết kế tiếp – và đối với triết học, quá trình thành tựu cũng y hệt như thế. Mỗi thế hệ triết gia thẩm tra các ý tưởng đã được kiến lập, và bằng việc chứng minh những giới hạn của chúng, họ có khả năng đề ra những thuyết mới.
Ðối với kẻ khao khát có được câu trả lời dứt khoát, triết học dường như tỏ ra nó là nguồn chán nãn triền miên. Ðối với kẻ triền miên đặt câu hỏi, sẵn sàng xem xét và sửa đổi quan điểm của mình, triết học là nguồn hấp dẫn và là phương tiện mài dũa khả năng phê phán.
Cuộc sống là đối tượng chính Suốt nửa đầu thế kỷ 20, phần lớn triết học được giảng dạy tại Anh và Bắc Mỹ bị khống chế bởi một quan điểm có tính hạn chế chức năng của nó. Tại đó, hầu như triết học không đưa ra nội dung của chính nó. Người ta xem công tác chủ yếu của nó là phân tích và làm sáng tỏ những phát biểu được các trường phái khác lập thành hoặc do đại chúng đưa ra. Triết học tại các xứ nói tiếng Anh thời ấy không có bước nhảy vọt của trực giác để có thể mở ra các viễn cảnh và các triển vọng mới, ngoại trừ việc tìm kiếm một vai trò hỗ trợ càng chi tiết càng tốt.
Một viễn cảnh lịch sử và một thoáng nhìn phạm vi của các đề tài được đề cập suốt trong nhiều thế kỷ sẽ cho thấy triết học có khả năng to lớn hơn nhiều trong ứng phó của nó và rộng rãi hơn nhiều trong thẩm tra của nó.
Phạm vi truyền thống của các chủ đề khảo sát bao gồm các bộ môn như siêu hình học, về bản tính của thực tại; tri thức luận, lý thuyết về nhận thức; đạo đức học; triết học tôn giáo, triết học tâm trí, triết học khoa học, triết học chính trị, triết học nghệ thuật. Hết thảy những bộ môn ấy đều xứng đáng chứng minh cho cung cách ứng xử rộng rãi hơn của các công trình triết học và sự thích đáng của triết học đối với cuộc sống đời thường.
Ðã tới lúc con người có thể nghĩ tới triết học như một hành động chiếm lĩnh các không gian còn lại trong tri thức của loài người sau khi khoa học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học – như chúng ta hiểu chúng cho tới hôm nay – nói cho chúng ta biết những gì mà chúng có thể nói về thế giới.
Lợi thế của người đi sau Không khác bọt biển trên đầu sóng, cuốn sách nhỏ này được đưa đẩy bởi toàn bộ chuyển động của tư tưởng kéo dài từ ít nhất 2.500 năm trước. Trong khi hiểu rõ những giới hạn trên bề mặt và dưới chiều sâu của mình, chúng tôi chỉ dám trình bày về thực tại của triền sóng ấy và chiều hướng tổng quát của con nước bên dưới. Một xã hội không triết học sẽ bị cắt đứt với cội rễ của nó. Sống trong một xã hội như thế, con người, đặc biệt các bạn trẻ, hẳn phải bắt đầu từ thời hồng hoang và phải lặp đi lặp lại nhiều lần, để chọn lọc các giá trị cho mình và để am hiểu chính mình.
Với triết học, quá trình chọn lọc ấy được bộc lộ trong các viễn cảnh luận lý và lịch sử của nó. Với triết học, bạn ở tư thế thượng phong; bạn bắt đầu nhìn vấn đề với lợi thế vì bản thân bạn đã có thể thu thập ít nhiều kiến thức từ kho tàng minh triết được tích lũy bởi một số nhà tư tưởng kiệt xuất trong cả hai nền văn hóa Tây phương lẫn Ðông phương, và chúng ngày càng được giao lưu nhiều hơn để lập thành nền văn hóa chung của con người trong thiên niên kỷ thứ ba.
VIII. Có đáng để chịu chết không?
Trong lịch sử triết học Tây phương, nếu Thales là triết gia đầu tiên vì ông bắt đầu nhìn ra thế giới thì Socrates là triết gia và là hiền giả vĩ đại nhất vì ông bắt đầu nhìn vào con người. Ông là kẻ đầu tiên tiêu diệt ý thức huyền thoại và xây dựng lý tính.
Với Socrates, cỏ cây, sông núi, trăng sao và toàn bộ thế giới bên ngoài đều không quí trọng bằng con người. Nỗ lực của con người nhằm tự biết mình là quan trọng nhất. “Người ơi, hãy tự biết mình”. Sau đó mới tới việc tìm biết những vấn đề của con người. Thứ nhất: tôi là ai. Rồi mới tới thứ hai: con người là gì và con người đi về đâu. Và đối tượng đứng hàng thứ ba của tri thức có lẽ là các vấn đề tự nhiên, v.v.
Tìm chân lý hoặc chết Thế rồi, phút giây đặc biệt và cảm động nhất trong lịch sử triết học Tây phương là khi Socrates chấp nhận cái chết và nâng chén thuốc độc lên môi vào một buổi sáng năm 399 trước CN. Biến cố ấy được ghi lại bởi Plato, kẻ tôn kính sư phụ mình tới độ về sau, ông trình bày các luận cứ triết học của mình theo hình thức những cuộc đối thoại hùng hồn trong đó Socrates là kẻ phát ngôn và là nhân vật chủ chốt.
Bị cáo buộc có thái độ cũng như có những lời giảng dạy vừa bất kính thần linh vừa làm hư hoại thanh niên thành quốc Athens, những kẻ hằng ngày lắng nghe ông, tôn kính ông làm đấng hiền giả đại sư phụ qua động thái của ông liên tục chủ động thách thức các niềm tin của người khác và các qui ước của xã hội. Tòa ánAthens kết án tử hình Socrates. Theo Plato, Socrates từ khước lời đề nghị chọn một hình phạt khác thay thế; ông cũng không chịu bỏ trốn khỏi Athens để sang sống bình yên tại một thành phố khác, cũng tọa lạc trong không gian văn hóa Hi Lạp. Chấp nhận cái chết để chứng minh cho niềm tin và tư tưởng triết học của mình, Socrates sẵn sàng uống chén thuốc độc hành quyết.
Tự do tư tưởng là tối thượng Ðối với Plato, lý trí và tự do của cá nhân được quyền sống phù hợp với bản thân mình, chiếm địa vị cao hơn trật tự xã hội và chính trị. Trong công cuộc truy tầm chân lý, Socrates không buông bỏ quyền tự do của ông hoặc chấp nhận một hình thức thỏa hiệp nào đó, dù dưới mắt nhìn phán xét của chính quyền, công cuộc ấy mang tính khuynh đảo và nguy hiểm. Thật thế, như về sau Plato mô tả chi tiết trong cuốn Republic, sự công bình và các định chế của quốc gia phải đặt căn bản trên lý trí, và nhà cầm quyền nên là các triết gia, những kẻ có ý muốn và có khả năng áp dụng lý trí với thái độ khách quan và vô vị lợi.
Ðối với Socrates, triết gia không tiến hành công việc của mình bên lề cuộc sống mà ở ngay tâm điểm của nó. Việc thôi không còn tra vấn và thách thức các khái niệm đã được người đời chấp nhận là một hành động không đáng cho ta nghĩ tới. Socrates chấp nhận thà chết còn hơn nộp phạt hoặc đi khỏi Athens. Và Plato, người thanh niên môn sinh kính yêu ông, đã cho hậu thế biết rõ vị sư phụ của mình là một người trầm tĩnh, có lý tính và có phẩm cách tuyệt đối.
Cái giá của việc làm triết học Sau Socrates với chén thuốc độc, ta còn có dịp đọc thấy rất nhiều triết gia tiếp tục noi theo tấm gương xác tín và dũng cảm của ông. Suốt hơn hai ngàn năm qua, không thiếu các nhà tư tưởng bị đày biệt xứ, bỏ mình trên giàn hỏa, trên đài xử giảo hoặc trong ngục tối hay trại tập trung vì công trình triết học của họ.
Xưa nay, triết học có thể là môn học làm nãn lòng. Ðôi khi nó có vẻ khô khan và xa rời cuộc sống. Ðôi khi nó đóng vai trò người hầu hẻ hạ của ngữ học với nhiệm vụ duy nhât là làm sáng tỏ những thuật ngữ được các môn học khác sử dụng, còn bản thân nó chẳng cống hiến được điều gì chắc chắn cho kho tàng tri thức của loài người. Ðôi khi có những triết gia cứ nhất định ghi ghi chép chép tư tưởng của mình bằng một bút pháp mù mờ thay vì viết ra một cách sáng sủa. Nhưng từ thời này sang thời khác, dường như người ta cứ bị thôi thúc, quyến dụ phải nêu vấn nạn, phải đặt câu hỏi rằng:
“Có đúng vậy không? Tại sao người ta không ổn định một lần cho xong các tư tưởng, các giá trị đã được thiết lập, dù chỉ là ổn định ở bề mặt? Tại sao lại làm cho cuộc sống thêm phần rắc rối và khó khăn bằng cách cứ phải triền miên phân tích? Hoặc trong trường hợp các triết gia bị thảm sát, đặc biệt Socrates, chén thuốc độc ấy có đáng để uống không?”
Khởi sự tìm hiểu triết học, cũng là lúc tâm trí của bạn bắt đầu vương vấn các câu hỏi ấy, và chính bạn là người sẽ tự trả lời cho mình. Dù năng nổ hay thụ động, con đường đi vào triết học chỉ mở một chiều thẳng tới phía trước. Và đi trên con đường đó nghĩa là bạn trở thành kẻ duy nhất giúp mình tự định nghĩa thực tại của bản thân và cuộc đời.
Comments