Khi My chết tôi đang học năm thứ hai ở Trường Đại học Đà Lạt. Trước đó tôi đã xin nghỉ học về thăm My, nhưng không thể ở lâu hơn, nên sau một tuần tôi lại phải đi. My nhắc tôi mang theo bộ quần áo vải ka-tê nền trắng có những chấm bi màu xanh đậm. Đó là một bộ đồ mặc ở nhà. Trên chiếc áo, có một dãy nút tròn bọc vải, cài lệch một bên trông rất lạ. My thích may đồ và đã may bộ đồ này cho tôi khi chưa mệt đến nỗi cứ phải luôn nằm trên giường. Rất nhiều năm sau này, tâm trí tôi vẫn lưu giữ vẹn nguyên hình ảnh bộ quần áo đó, như một minh chứng cho sự hiện hữu của My và tình cảm yêu thương của My dành cho tôi và những người thân khác trong gia đình.
My chết đã 24 năm rồi. Cũng đã quá lâu cho những đau buồn. Nhưng cứ mỗi mùa hè, nhất là lúc giữa hè khi mọi người nao nức, chộn rộn mua vịt, mua xoài, mua bánh ú tro... về ăn Tết Đoan Ngọ, tôi lại thấy nhớ My.
Mà không chỉ vào dịp tết Đoan Ngọ. Tôi dạy học, và trong chương trình văn học lớp 12, phần văn học nước ngoài có tác phẩm “Thuốc” của nhà văn Lỗ Tấn. Mỗi lúc cùng học sinh phân tích cảnh ông chủ quán trà Hoa Thuyên vào một đêm thu trời gần sáng, mang một bọc tiền, đi mua chiếc bánh bao tẩm máu người tù bị chết chém: “... một chiếc bánh bao nhuốm máu, đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt...” đem về làm thuốc cho đứa con bị bệnh lao, tôi cũng lại nhớ như in căn bếp của nhà tôi, cùng vẻ mặt mệt mỏi đau đớn của My.
Tôi nhớ My. Nhớ ba mẹ tôi. Nhớ căn bếp tràn ngập nước mắt của mẹ. Nhớ thái độ run rẩy nhưng đầy quyết đoán của ba. Và những con vịt xiêm bị cắt tiết vội vàng, có khi chưa kịp chết còn nằm giẫy giụa ngổn ngang khắp gian nhà. Tôi nghĩ về những bất lực của Y học. Nghĩ về sự dốt nát. Nghĩ về lòng tin mù quáng. Nghĩ về những hy vọng còn nước còn tát, hay quan niệm có bệnh phải vái tứ phương của những phận người nhỏ bé, tội nghiệp trong đời sống này.
Hồi đó bệnh của My đã vào giai đoạn cuối. Những đau đớn đã dày vò My thường xuyên. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được không khí oi ả nóng của mùa hè ở Đà Nẵng và tiếng khóc thút thít của My. My đã mong cơn đau dịu đi một tí để được ngủ. Ngày đó tôi đã hiểu địa ngục là có thật. Địa ngục là khi ta chứng kiến sự đau đớn của người thân mà bất lực không thể làm được gì để giúp họ.
Đó là vào năm 1985. My bị ung thư bạch cầu.
Bây giờ phim Hàn Quốc tràn lan, mô típ chính là chia xa ly biệt. Người xem phim thường xuýt xoa khi chứng kiến cảnh những con người dường như sinh ra là để cho nhau. Nhưng oái ăm thay, chỉ vì chậm một chút, chỉ vì lơ đãng một chút, đôi khi họ đi lướt qua nhau để rồi lạc mất nhau. Để rồi sau rất nhiều năm, sau rất nhiều đau đớn, họ mới lại được ở bên nhau. Đúng lúc, lẽ ra họ phải được hạnh phúc sau bao tháng ngày cách biệt thì một người trong họ lại bị bệnh, và thường thấy là bị ung thư. (Hình như chỉ khi bị ung thư thì nhân vật trong phim mới có vẻ sạch sẽ sang trọng và cao quý!)
Hồi đó My cũng bị ung thư. Giá như My bị một căn bệnh khác, dù không sạch sẽ, sang trọng, cao quý, nhưng có thể chữa trị được và gia đình tôi vẫn còn My thì thật là hạnh phúc. Bệnh ung thư bạch cầu mà My mắc phải thuộc loại ung thư ác tính. Cho đến bây giờ bệnh này đã có hướng điều trị nhưng vô cùng tốn kém, và khả năng thất bại cũng rất cao. Huống gì hồi đó, năm 1985 cả đất nước nghèo đói, xem như My cầm chắc cái chết. Tôi nhớ ba mẹ tôi đã ráng hết sức để cầm cự cuộc sống cho My bằng những đợt truyền máu. Cứ sau mỗi đợt truyền máu, My lại dễ chịu được một thời gian. Rồi cơ thể My không đáp ứng được việc truyền máu nữa. Sự bội nhiễm bạch cầu trong máu đã làm My trắng nhợt, mệt mỏi, đau nhức không sao chịu nỗi, và khắp thân thể My những mụn lở bắt đầu bung ra.
Tôi xem phim và thường thấy những bệnh nhân bị ung thư bạch cầu trong phim can trường chịu sự đau đớn. Tuy xanh xao, yếu ớt, nhưng họ vẫn đẹp đẽ, xinh xắn, gợi nhiều cảm thương của khán giả. Có thể đó là cách thi vị hoá cuộc đời, bên cạnh việc bi kịch hoá cuộc đời thường thấy trên phim ảnh. Còn My hồi đó ốm o, nằm rũ liệt trên giường, trời nóng như thiêu và những đau đớn nhức nhối từ xương tuỷ đã làm My không thể không khóc. Mẹ tôi cố cứng cỏi nhưng cũng không thể không khóc theo My. Khi ngồi quạt cho My, khi xoa bóp những khớp xương sưng vù, cố làm cho My dễ chịu hơn một chút. Tôi vẫn nhớ mẹ vỗ về My: Mẹ biết là con rất đau, nhưng con cố chịu đựng, giá như đây là gánh nặng phải mang vác, thì nặng đến thế nào mẹ cũng sẽ mang cho con. Tôi biết khi nói như thế mẹ tôi đã đau đớn như đứt từng khúc ruột vì nỗi đau của đứa con mẹ đã xé thịt đẻ ra!
Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã từ chối không điều trị cho My nữa (vì đã không còn phương cách điều trị). Ba mẹ tôi biết thế là hết. Sự sống của My chỉ còn được tính từng ngày. Ba mẹ tôi gọi chị em tôi về thăm My, để sống với My những ngày cuối cùng.
Đúng lúc đó ba tôi đã có một quyết định kỳ lạ. Một thầy lang đã mách cho ba tôi một phương thuốc mà ông ta bảo đảm rằng sẽ có sự đáp ứng kỳ diệu. Phương thuốc đó là tiết của con vịt xiêm, uống tức thời khi chưa kịp đông, tức là khi vừa được chảy ra từ vết cắt trên cổ vịt. Mẹ tôi đi chợ mỗi ngày mang về hàng chục con vịt xiêm. Và mỗi ngày ba lần My phải uống tiết vịt sống, một thứ nước uống nong nóng vừa tanh tanh vừa mằn mặn. My đã uống cùng với bao nhiêu nước mắt. Nước mắt của My, nước mắt của ba mẹ tôi cùng với nước mắt của tất cả những người thân trong gia đình.
Trong truyện “Thuốc”, Lỗ Tấn đã xây dựng cảnh hai vợ chồng lão Hoa Thuyên nướng chiếc bánh bao tẩm máu người trong chiếc lá sen rồi mang cho thằng Thuyên ăn. Khi thằng Thuyên ăn thuốc: “Lão Hoa đứng một bên, bà Hoa đứng một bên, trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì, đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì”. Họ đã tin là con họ “sẽ khỏi ngay”.
Người ta đã nói nhiều về sự u mê, dốt nát về khoa học và sự u mê, dốt nát về chính trị của những con người tội nghiệp trong câu chuyện đó. Nhưng tôi chỉ nhìn thấy ở đó một tình thương. Tôi nghĩ con người ta thường u mê trong chính tình thương của mình.
Tôi hiểu ba tôi, trước sự lựa chọn, với cái chết như một điều chắc chắn sẽ xảy ra với My và một hy vọng dẫu rất xa vời là My sẽ qua khỏi như một điều kỳ diệu. (Trên thế gian này có bao điều kỳ diệu đã xảy ra mà có phải lúc nào chúng ta cũng lý giải được đâu). Ba tôi đã chọn cách thử đó như một nỗ lực cuối cùng để mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
My chết vào một buổi sáng khi tôi đang ở Đà Lạt. Tôi đã linh tính về cái chết của em dù điện báo từ gia đình chưa đến được tôi. Đêm hôm trước tôi đã có một giấc mơ kỳ lạ. Tôi thấy mình tắm cho My. My nhỏ bé và nhẹ bẫng. Tôi đã ôm My trong tay như ôm một đứa trẻ rồi thả em vào một bể nước. Tôi đã vuốt ve em thật dịu nhẹ. Bàn tay tôi, hơi thở tôi chạm vào My ấm áp như ngày xưa hai chị em vẫn thường ngủ chung, chơi chung. Mắt My nhắm chặt, miệng phảng phất cười. My có vẻ tươi tỉnh nhẹ nhàng như chưa từng chịu những dày vò đau đớn.
Thức giấc tôi mở cửa phòng bước ra ngoài trời sương. Tiếng thông reo u u và ngọn gió lạnh quất vào ngực tôi đau buốt. Tôi biết My đã không còn trên thế gian này.
My chết đã 24 năm rồi. Nhưng tất cả những gì xảy ra với My cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi. Đôi lúc tôi lẩn thẩn hỏi mình. Tôi sẽ làm gì? Nếu bây giờ con tôi hay một người thân nào đó của tôi bị bệnh? Nếu chúng tôi không đủ chi phí để điều trị? Nếu việc điều trị ở các bệnh viện không làm căn bệnh đó thuyên giảm? Nếu có ai đó bảo với tôi hãy cho người bệnh uống thuốc sắc từ thứ lá cây này, thứ quả này, thứ bột đá này, hay hãy uống thứ nước giếng này, ăn con vật này... căn bệnh sẽ không còn? Tôi có làm theo như vậy không? Tôi có đủ sự tỉnh táo để từ chối không? Tôi có đoan chắc là tôi sẽ không làm như ba tôi ngày xưa: Cho My uống tiết vịt xiêm khi với hy vọng mãnh liệt rằng sẽ cứu sống My, sẽ giữ được My ở lại trên cõi đời này?
Comments