IV. Vài ý kiến về con đường hội nhập của ta:
1. Về chính sách quốc gia phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin
Trên ý nghĩa đó, vào đầu những năm 90, Chính phủ đã ra một Nghị quyết quan trọng xác định Chính sách quốc gia về phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin, lấy mục tiêu chủ yếu là xây dựng cơ sở cho một kết cấu hạ tầng thông tin có khả năng đáp ứng các nhu cầu thông tin cho quản lý nhà nước và cho các hoạt động kinh tế xã hội, đồng thời phát triển từng bước những cơ sở cho một nền công nghiệp công nghệ thông tin của đất nước. Chính sách đó được tổ chức thực hiện thông qua một Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin với một hệ thống các dự án, các biện pháp. Và, trong mấy năm qua, công nghệ thông tin ở nước ta đã có những bước phát triển đáng chú ý. Tuy nhiên, vào thời điểm sắp kết thúc thập niên này nhìn lại, thì ta thấy những điều ta mong đợi cũng còn khá xa vời. Các dự án tin học hóa được thực hiện chậm chạp, chưa thể làm mầm mống cho một kết cấu hạ tầng thông tin của quốc gia, tình trạng nghèo thông tin vẫn là một yếu kém chưa được khắc phục bao nhiêu, các chính sách về đầu tư và tài chính chưa tạo được những khuyến khích cần thiết cho việc phát triển những mầm non (mà ta tin rằng rất có triển vọng) của công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm, công nghệ nội dung...
Nghị quyết của Chính phủ ra đời từ năm 1993, về cơ bản là đáp ứng được những nhu cầu phát triển trong thập niên 90, nhưng cũng cần được cập nhật để thích ứng với những tiến bộ mới và nhữg đòi hỏi mới. Chúng ta mong rằng sẽ có những đánh giá và phân tích nghiêm túc về những gì đã đạt được và cả những gì chưa đạt được, đồng thời sẽ có những dự tính thiết thực và những biện pháp tích cực cho tương lai.
2. Về những bước đường tiếp tục:
Qua thực tiển mấy năm phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vừa qua, tuy nhiều điều ta mong đợi còn chưa đạt được, nhưng ta cũng nhìn thấy nhiều khả năng tiềm tàng còn chưa khai thác, nhất là nhiều năng lực to lớn của thế hệ trẻ còn chưa có điều kiện để được bồi dưỡng và phát huy. Một điều có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển công nghệ thông tin là những nhu cầu của môi trường kinh tế xã hội. Một nền kinh tế thị trường phát triển với nhiều doanh nghiệp tự do đua tranh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, một nền hành chính quản lý đổi mới và năng động, một hệ thống dịch vụ văn hóa, xã hội phong phú... sẽ cần đến thông tin và tri thức và cũng sẽ lớn mạnh lên nhờ có thông tin và tri thức. Vì vậy, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là công cuộc đổi mới của ta cần tạo thuận lợi thúc đẩy việc phát triển một môi trường kinh tế xã hội như vậy để trong đó công nghệ thông tin có thể phát triển nhanh chóng. Nói đúng hơn, công nghệ thông tin vừa có thể được ứng dụng để thúc đẩy sự phát triển của một môi trường kinh tế xã hội như vậy, vừa do sự lớn mạnh của môi trường đó mà chính nó lại phát triển tiếp tục.
Sự chuyển biến sang nền kinh tế thông tin và tri thức cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế nhanh chóng đã làm phân hóa "Thế giới thứ ba", thế giới đó không còn có ký do để được coi như một thế giới riêng tự thân nữa, mà vở ra thành 4 loại nước khác nhau: loại các nước khổng lồ về dân số, loại các nước có nhiều tài nguyên dầu mỏ để xuấr khẩu, và ở hai cực là loại các nước "công nghiệp hóa mới" có khả năng hội nhập có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới và loại các nước có nguy cơ bị dạt ra rìa của dòng chảy. Ta không thuộc vào hai loại trước, và chắc cũng không muốn để rơi vào nền kinh tế thế giới, trong đó phát triển công nghệ thông tin và xây dựng dần các yếu tố của kinh tế thông tin và tri thức là một nhân tố quan trọng, nếu không nói là quyết định.
Đối với các nước đang phát triển đang phấn đấu vươn lên hội nhập vào nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức trong tương lại, Ủy Ban Khoa học và công nghệ vì Phát triển của Liên hiệp quốc khuyến nghị một số nội dung chiến lược cần được tập trung thực hiện trong chính sách phát triển công nghệ thông tin như sau:
- Hướng việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thiết thực các mục tiêu xã hội và tăng ưu thế (cạnh tranh) cho nền kinh tế;
- Phát triển nguồn tài nguyên nhân lực cho các chiến lược công nghệ thông tin quốc gia bằng cách đẩy mạnh và mở rộng các hình thức học, học liên tục và học suốt đời;
- Cải tiến quản lý sự phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các tổ chức vì sự phát triển quốc gia;
- Phát triển các mạng thông tin và kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia, và thực hiện các biện pháp để mở rộng khả năng truy cập của mọi người đến các mạng đó;
- Khuyến khích các nguồn đầu tư và tăng cường đầu tư tài chính từ nhà nước cho phát triển công nghệ thông tin và cho kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia;
- Tạo mọi khả năng để truy cập tới các nguồn tri thức khoa học và kỹ thuật trên thế giới;
- Theo dõi và khi có cơ hội, tham gia vào việc định "các luật chơi" quốc tế liên quan đến kinh tế tri thức toàn cầu hóa, như về kết cấu hạ tầng thông tin toàn cầu, về thương mại điện tử, về các chuẩn, về an toàn thông tin, về quyền sở hữu trí tuệ...
Chắc rằng các khuyến nghị đó cũng thích hợp với hoàn cảnh của nước ta, và ta có thể tham khảo trong khi cập nhật các chính sách và kế hoạch phát triền công nghệ thông tin của ta trong giai đoạn sắp tới.
Một thế kỷ sắp qua, và một thế kỷ mới sắp đến. Những gì xảy ra trong thế kỷ 20 này thực tế đã khác xa với những dự đoán từ cuối thể kỷ 19. Cuộc sống đang biến đổi nhanh chóng, và thề kỷ 21 chắc sẽ còn lắm đổi thay bất ngờ, khác với những điều mà hiện nay con người tiên đoán. Nhưng không vì vậy mà ta không dự đoán tương lai. Chỉ có điều là, ta phải xem mọi dự đoán đều có thể sai, và chuẩn bị sẵn sàng những năng lực để ứng phó linh hoạt và kịp thời trước mọi đổi thay. Thích nghi, sáng tạo và đổi mới không ngừng chính là những phẩm chất và bản lĩnh mà ta cần trang bị cho mình để vửng vàng đi vào thế kỷ 21, và nói như Biil Gates, ngày nay chuẩn mực chính là sự thay đổi. Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, làm cho xã hội giàu có thông tin và tri thức là nhân tố có ý nghĩa quan trọng để trau dồi các phẩm chất và bản lĩnh nói trên, tạo khả năng cho đất nước ta vươn lên trong mọi biến động và thử thách, vững vàng hội nhập một cách có hiệu quả vào xã hội tri thưc toàn cầu trong tương lai.
Comments