III. Nhận thức về một nền kinh tế và xã hội đang biến đổi
1. Một lý thuyết kinh tế mới cho kinh tế tri thức?
Dù mới là những bước đầu, nhưng nền kinh tế thế giới đã chuyển biến sang một giai đoạn phát triển mới, có những khác biệt rõ ràng về chất so với các giai đoạn trước. Thông tin và tri thức trở thành một nguồn lực chủ đạo của phát triển kinh tế, nhưng nguồn lực đó vận hành như thế nào, ta chưa hiểu được đầy đủ; một lý thuyết kinh tế đặt tri thức vào vị trí trung tâm của quá trình tạo ra của cải có khả năng giải thích mọi hiện tượng mới lại trong đời sống kinh tế là cần thiết, nhưng ta chưa có đủ kinh nghiệm để hình thành một lý thuyết như vậy. Ta chỉ biết rằng một lý thuyết như vậy, nếu có, chắc phải khác nhiều với những lý thuyết đã có, cổ điển hay tân-cổ điển, Keynes hay tân Keynes. Các giả thiết thường được dùng trong các lý thuyết đã có (như giả thiết về cạnh tranh hoàn toàn và đầy đủ, giả thiết về trọng cung hay trọng cầu...) khó thích hợp để làm căn cứ cho lý thuyết mới.
Chưa có một mẫu số chung cho các loại tri thức khác nhau để có thể hình dung một cách đánh giá định lượng tri thức, do đó một mô hình (toán học) cho kinh tế tri thức còn là một điều xa vời. Làm thế nào để đánh giá được tác động và hiệu quả của tri thức trong những cải cách và đổi mới, và nói chung đánh giá được năng suất của tri thức, trong khi chi phí đầu tư cho tri thức (ở các nước phát triển) đã lên đến khoảng 20% GDP hàng năm? Trong sách Rethinkinh the Future, xuất bản năm 1997, hàng chục nhà khoa học hàng đầu ở Mỹ đã thảo luận về hàng loạt vấn đề cần được tư duy lại cho tương lai, tập trung quanh 3 chủ đề lớn:
- Con đường cũ dừng ở đây, tương lai không phải là sự tiếp tục của quá khứ, thế giới đã thay đổi và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến;
- Thời mới đòi hỏi những cách tổ chức mới, người thắng cuộc trong thế kỷ 21 sẽ là những người có năng lực biến tổ chức của mình thành một cái gì đó linh hoạt như chiếc xe jeep, có khả năng phản ứng nhanh, chuyển hướng nhanh trong một miền đất đầy trắc trở và bất định;
- Rồi chúng ta sẽ đi đâu? Ta cần có một tầm nhìn, một định hướng mục tiêu về tương lai, nhưng không phải bằng cách nhìn vào một bản đồ có sẵn. Không có bản đồ nào cho miền đất chưa khám phá; thay vào đó những người đi đầu sẽ nhìn về phía trước, sáng tạo những ý tưởng mới, phát hiện những chân trời mới, vạch đường để hấp dẫn mọi người cùng đi.
Tư duy lại trên cơ sở các phương pháp khoa học, nhưng phải là kiểu tư duy khoa học có đổi mới. Phương pháp khoa học truyền thống xem mục đích của khoa học là phát hiện chân lý, tìm kiến các qui luật để giải thích, dự đoán và điều khiển các sự kiện. Nhưng thế nào là đúng, là sai trong thế giới phức tạp của tự nhiên, của kinh tế, xã hội? Và phải chăn là hợp lý hơn nếu xem mọi lý thuyết khoa học đều có thể sai, khoa học không đi tìm cái luôn luôn đúng, mà tìm kiến các tri thức được hoàn thiện dần bằng phương pháp "thử và sai", giả thuyết và bác bỏ; mục đích của khoa học là "giải bài toán", tức là cung cấp những lời giải chấp nhận được cho những vấn đề mà con người quan tâm.
2. Một vài cách tiếp cận tìm hiểu kinh tế và xã hội tri thức:
Các hệ thống kinh tế xã hội vốn đã là những hệ thống lớn, phức tạp; hiện nay khi chuyển sang giai đoạn của kinh tế tri thức và xã hội tri thức, chúng lạu càng trở nên phức tạp hơn bội phần do tác động to lớn củanhững yếu tố thường xuyên biến động và bất định. Các lý thuyết trước đây thường tìm cách đơn giản hóa bằng các giả thuyết qui hành vi của hệ thống về các quan hệ giữa một số thành phần chủ yếu đã lược bỏ tính bất định, rồi từ đó thiết lập các mô hình, và từ nghiên cứu, phân tích trên các mô hình mà rút ra các nhận định, phán đoán, kiến nghị... Nhiều mô hình lý thuyết về kinh tế trước đây được xây dựng trên các giả thuyết về cân đối (chẳng hạn cân đối cung - cầu) đã là căn cứ cho việc lập kế hoạch, điều tiết thị trường v.v... Việc bỏ qua các yếu tố bất định trong một chừng mực nào đó là có thể chấp nhận để có được những mô hình bất định lại trở thành chủ yếu có tác động gần đúng các hệ thống thực tế, nhưng khi cái bất định lại trở thành chủ yếu có tác động quyết định đến hành vi của hệ thống thì việc tìm kiếm các mô hình như vậy trở thành vô vọng.
Các lý thuyết kinh tế tân - cổ điển thường giả thiết là nền kinh tế tuân theo luật "liên hệ ngược âm" để tự điều chỉnh về trạng thái cân đối. Brian Arthur nhìn thấy rằng luật liên hệ ngược âm có cùng một hiệu quả như giả thuyết kinh tế về "tỷ suất lợi nhuận giảm" (diminishing returns - trong điều kiện sản xuất hàng hóa vật chất, sản xuất càng nhiều thì có xu thế lợi nhuận thu được trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ giảm xuống).
Trong kinh tế tri thức, khi sản phẩm hàng hóa là thông tin, tri thức và các ý tưởng, thì luật tỷ suất lợi nhuận giảm trong nhiều trường hợp lại nhường chỗ cho luật "tỷ suất lợi nhuận tăng" (increasing returns). Trong các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận tăng thì cơ chế liên hệ ngược dương cũng hoạt động để củng và tăng cường những thành tựu đạt được, và do đó không trở về trạng thái ổn định của cân đối mà có xu hướng tồn tại trong trạng thài thường xuyên bất ổn định. Hệ quả của những khảo sát như vậy có thể là: Trong nền kinh tế mà luật "tỷ suất lợi nhuận giảm" chi phối thì liên hệ ngược âm hoạt động, hệ thống có xu thế đi đến ổn định và cân đối, do đó có thể quản lý bằng kế hoạch hóa; ngược lại, trong nền kinh tế mà luật "tỷ suất lợi nhuận tăng" chi phối thì liên hệ ngược dương hoạt động, hệ thống phát triển thường xuyên trong bất định, bất ổn định và không cân đối.
Trong thực tế, các nền kinh tế là những hệ thống phức tạp (và phi tuyến) thường bao gồm cả hai loại liên hệ ngược, âm và dương; trong những hệ thống như vậy, có thể có nhiều những trạng thái ổn định bộ phận và hệ thống thường vận động giữa những trạng thái ổn định bộ phận có một cách không ổn định và khó mà tiên đoán được. Nhưng, theo I.Prigogine, bất định, bất ổn định, mất cân đối trong các hệ thống phức tạp của tự nhiên và kinh tế xã hội không nhất thiết ohải đi đến hỗn loạn và hủy diệt, mà các hệ như vậy thường có cấu trúc và năng lực tự tổ chức một cách tự phát (spontaneously self - organizing) của mình. Prigogine, và sau đó, Arthur đều xem rằng nền kinh tế là một hệ thống tự tổ chức. Chú ý rằng, trong cái hệ thống lớn là nền kinh tế, bất định, không cần đối và tự tổ chức đó, có cả con người là thành viên tích cực. Vì vậy, ở đây con người không phải ngoài hệ thống để lập kế hoạch cho sự phát triển của nó, mà tham gia trực tiếp vào sự phát triển đó bằng khả năng thích nghi, năng lực sáng tạo và đổi mới của mình.
Vài trò tham gia trực tiếp của con người với tư cách là thành viên đang tư duy (thinking participant) trong các hệ thống kinh tế đã được nhà tài chính và kinh tế học nổi tiếng G.Soros phân tích một cách độc đáo trong lý thuyết về tính phản xạ. Sự tham gia của con người đang tư duy trong các hệ thống kinh tế và xã hội có tính chất hai chiều: vừa là thụ động với tư cách người tìm hiểu và suy nghĩ về hệ thống, vừa là tích cực với tư cách người tham gia quyết định có ảnh hưởng đến hành vi và kết quả của hệ thống. Và hai tư cách đó được thực hiện đồng thời. Do là đồng thời nên thường gặp những tình huống mà con người khi suy nghĩ để làm quyết định không thể dựa vào tri thức đầy đủ và chính xác về hệ thống, đơn giản là vì chưa thể có những tri thức như vậy, tình trạng của hệ thống còn phụ thuộc vào chính quyết định của những người tham gia.
Kết quả, vì vậy, thường khác với dự kiến, và do đó lại thêm một yếu tố bất định cho bước suy nghĩ tiếp theo. Trong những nền kinh tế chịu nhiều tác động của những yếu tố linh hoạt và nhạy cảm như tài chính, tri thức thì tính phản xạ lại càng có ý nghĩa rất quan trọng. Phản xạ xảy ra trong bất định, và chức đựng tiềm năng thường trực làm tăng tính bất định của hệ thống. Bất định, bất ổn định, nếu không được điều hòa bởi những yếu tố tự tổ chức của hệ thống thì có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng. Vì vậy, toàn cầu hóa kinh tế hiện nay cẩn phải được đi kèm với những thỏa ước quốc tế thích hợp (trong khi chưa có dấu hiệu nào sẵn sàng cho một giải pháp toàn cầu hóa xã hội tương ứng) để có thể tránh đi đến khủng hoảng.
3. Vai trò và tác động của Công nghệ thông tin:
Sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng cho việc tạo ra những nhân tố năng động mới của nền kinh tế và xã hội, và do đó, cho quá trình hình thành nền kinh tế thông tin và xã hội thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là công nghệ thông tin đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho môi trường kinh tế xã hội của ta biến đổi "tận gốc rễ", và ta đã nhận thức được rằng đã đến lúc ta phải tự đổi chính mình để có thể tồn tại được torng môi trường mới đó. Như đã trình bày ở trên, môi trường mới đó không còn có thể coi là bất định và ổn định, ta không còn có thể điều khiển nó theo những con đường vạch sẵn; môi trường mới chứa đầy những yếu tố biến động và bất định, là không ổn định và không tiên đoán được, có độ phức tạp ngoài năng lực điều khiển của các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là con người đánh phó mặc cho môi trường đưa đẩy.
Tính phản xạ của các hệ thống kinh tế xã hội khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của sự tham gia tích cực của con người trong các hệ thống đó; hệ thống lớn, phức tạp, về tổng thể là không ổn định, nhưng không phải là không ổn định ở mọi lúc mọi nơi, như trên đã nói, hệ thống thường có những trạng thái ổn định bộ phận và nó vận động giữa các trạng thái ổn định bộ phận đó một cách không tiên đoán được. Con người không đứng ngoại để vạch cho hệ thống những mục tiêu định sẵn, những kế hoạch chung cứng nhắc, mả phải tự nhúng mình vào hệ thống, thích nghi với hệ thống, thu nhập thông tin và tri thức để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp hành động (kể cả xác định mục tiêu và kế hoạch một cách cục bộ cho những yếu tố tạm thời ổn định), và vì mọi hiểu biết và hành động đều có thể sai, nên phải thường xuyên đánh giá lại tri thức cũ, giải pháp cũ để có thể hiểu biết mới, giải pháp mới cho tình hình đã thay đổi.
Vì vậy, luôn luôn học, có tri thức và biết dùng tri thức để tạo tri thức, có năng lực thích nghi, linh hoạt trước mọi đổi thay, có năng lực sáng tạo và đổi mới là những phẩm chất mà từng con người cũng như các tổ chức kinh tế xã hội cần phải có nếu muốn tồn tại, phát triển và có vị trí xứng đáng trong môi trường mới.
Đến lượt mình, Công nghệ thông tin, với những thành tựu tuyệt vời đã đạt được cũng như đầy hứa hẹn trong tương lai, đang và sẽ trợ giúp đắc lực cho con người có được những năng lực nói trên. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi để thiết lập các cơ sở dữ liệu và các kho thông tin phong phú trong mọi lĩnh vực, mọi cơ quan, doanh nghiệp; đang được sử dụng tích cực để trợ giúp con người trong nhiều hoạt động trí thuệ, đặc biệt trong việc tìm kiếm và phát hiện tri thức để trợ giúp quyết định trong kinh doanh và các hoạt động kinh tế, và từ chỗ cung cấp được những thông tin và trí thức kịp thời mà làm tăng khả năng của con người cũng như các tổ chức trong việc phản ứng linh hoạt, thích nghi một cách hữu cơ, và tự thay đổi trước những biến động khôn lường của môi trường. Cũng cần nói thêm một điều là trong môi trường mới, để tăng cường những năng lực nói trên, học, việc học của mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức phải được xem là vấn đề trung tâm. Và ở vấn đề trung tâm này, công nghệ thông tin hoàn toàn có thể cung cấp những công cụ, phương pháp và phương tiện mới để thực hiện một cách sâu rộng và có hiệu quả.
Comments