Tóm tắt
Sinh thời, Norbert Wiener, cha đẻ của Điều khiển học (Cybernetics) đã dự báo: "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó".
Quả thực, mấy chục năm qua, dưới tác động của những tiến bộ vũ bão của khoa học và công nghệ, mà nổi bật là công nghệ thông tin, môi trường kinh tế và xã hội đã có những biến đổi căn bản, đang chuyển biến tới một môi trường về cơ bản là mới của nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Con người tạo ra môi trường đó; nhưng rồi đến lượt mình, chính sự phát triển khách quan của môi trường đó, với tất cả tính phức tạp, bất định và thường xuyên biến động của mình, lại đòi hỏi con người phải tự biến đổi để có thêm nhiều tri thức mới, nhiều năng lực trí tuệ mới khác về chất so với các năng lực cũ, nhằm giúp mình thích nghi với môi trường mới, có khả năng hành động linh hoạt trong cái phức tạp, bất định và thường xuyên biến động đó của môi trường mới. Công nghệ thông tin đang tích cực thúc đẩy hoạt động tri thức trong mọi lĩnh vực, hỗ trợ đắc lực cho con người phát huy tiềm năng trí tuệ để tồn tại và phát triển trong môi trường mới đó.
Trong bài báo cáo, tác giả sẽ trình bày một số nhận thức khoa học về những chuyển biến nói trên, và nêu một vài suy nghĩ về việc tìm kiếm con đường hội nhập của chúng ta từ thực trạng hiện nay vào xu thế chuyển biến chung của thế giới đến một nền kinh tế và xã hội tri thức khi bước sang thế kỷ mới.
I. Môi trường đang thay đổi nhanh chóng
Sự ra đời của máy tính điện tử cùng với việc xuất hiện các khoa học về thông tin, điều khiển, hệ thống,... vào những năm giữa thế kỷ này là những mầm mống báo hiệu cho một kỹ nguyên phát triển mới của xã hội loài người, như Norbert Wiener đã dự báo "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ...". Nhưng, "biến đổi môi trường đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó" thì là một dự báo mà đương thời ít ai tính đến. Những biến đổi trong môi trường kinh tế, xã hội trên thế giới trong mấy chục năm qua, đặc biệt trong thập niên cuối cùng của thế kỷ này, đã xảy ra càng lúc vàng nhanh chóng, dồn dập, càng lúc càng đầy tính bất ngờ và không lường trước được.
Ngay trong lĩnh vực máy tính, thực tế phát triển đã nhanh chóng vượt xa mọi dự đoán của các chuyên gia có thẩm quyền: năm 1943, Thomas Watson, chủ tịch IBM, dự đoán sẽ có một thị trường thế giới với khoảng dăm bảy máy tính; năm 1949, máy tính "trong tương lai" được dự đoán sẽ còn nặng khoảng 1 tấn rưỡi' năm 1977, Ken Olson, chủ tịch và là người sáng lập DEC, còn nói "không có lý do gì để mỗi người phải có một máy tính ở nhà mình", Bill Gates vào năm 1981 còn phỏng đoán "640k là đủ cho mọi người". Và chính Bill Gates cũng thừa nhận là thực tế thay đổi nhanh hơn nhiều phỏng đoán, nhiều chuẩn mực, vì vậy, ngày nay trong công nghệ phần mềm, "chuẩn mực chính là sự thay đổi", liên tục thay đổi để cải tiến, để thích nghi với yêu cầu luôn thay đổi của thị trường.
Hai mươi năm trước, khi máy tính điện tử đã được sử dụng ngày càng nhiều vào các lĩnh vực kinh tế xã hội, thúc đẩy cuộc "cách mạng quản lý", người ta đã bắt đầu nói đến tin học hóa xã hội và một "xã hội thông tin" trong tương lai, nhưng những điều hình dung về tương lai đó còn mang tính dự phóng; vào thập niên 80 khi lần lượt các thế hệ máy vi tính ra đời, với tốc độ tăng năng lực theo luật Moore và với khả năng cung cấp cho thị trường mỗi năm hàng triệu, hàng chục triệu rồi hàng trăm triệu máy, thì hình thù của một cơ sở hạ tầng cho "xã hội thông tin" mới bắt đầu rõ nét. Và, bước chuyển biến có ý nghĩa quyết định nhất, thuyết phục nhất, khẳng định sự xuất hiện là sự phát triển bùng nổ của mạng Internet toàn cầu với những bước đi lừng lững vào sâu mọi ngõ ngạch của đời sống con người, bất chấp mọi rào ngăn và cản trở.
Mạng Internet, nối hàng trăm triệu máy tính của người dùng, có thể truy cập đến hàng triệu nguồn cung cấp thông tin trên khắp thế giới, không còn chỉ là một phương tiện kỹ thuật đơn thuần, mà đã trở thành một môi trường mới của mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa... có tác động rất lớn đến các chuyển biến nhanh chóng của đời sống con người trên khắp hành tinh chúng ta. Và đó mới chỉ là những bước đầu để khẳng định "xã hội thông tin" đã là một hiện thực. Con đường hoàn thiện nó, có những điều dự đoán được và vô số điều không dự đoán được, còn trải dài ở phía trước, hứa hẹn nhiều bất ngờ mới cho thế kỷ mà ta sắp bước vào.
Và vì thế, có lẽ không lấy làm lạ và vào thập niên cuối thế kỷ 20 này, trong bề bộn của những biến động chính trị và xã hội sâu sắc, những tăng trưởng thần kỳ xen lẫn những khủng hoảng của nhiều nền kinh tế, sự xuất hiện của thương mại điện tử, của xu thế toàn cầu hóa kinh tế, v.v... nổi bật lên những lời kêu gọi hấp dẫn về tương lai gần của một nền kinh tế tri thức, của một xã hội tri thức, không chỉ cho các nước giàu đã phát triển, mà là cho mọi quốc gia, những kêu gọi cùng với các khuyến nghị và cảnh báo từ các cơ quan quốc tế như Liên hiệp quốc, Ngân hàng thế giới.
Để đi đến những chuyển biến hiện nay, loài người đã trải qua những bước phát triển và những thử thách liên tục trong suốt con đường thế kỷ 20. Một thế kỷ của sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, của những thử thách đối với các hình thức tổ chức và quản lý xã hội, của các phát minh vĩ đại về khoa học và công nghệ, của những tiến triển trong nhận thức con người về kinh tế, xã hội và nhân văn... đã chuẩn bị cho bước chuyển biến hiện nay, được xác định là bước chuyển biến từ xã hội công nghiệp lên xã hội thông tin và tri thức. Có thể đối với một người sống trong các nước công nghiệp phát triển, từng trải nghiệm qua những chặng đường phát triển đó, thì việc chờ đón bước chuyển biến hiện nay là tự nhiên, nhưng đối với chúng ta, sống trong một nước còn chậm phát triển, chưa có điều kiện của sự trải nghiệm đó, thì những thuật ngữ như nền kinh tế thông tin, xã hội tri thức... còn là khá xa vời, và tất nhiên sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi dòng chảy của những điều "xa với" đó bỗng ập đến lôi cuốn chúng ta đòi hội nhập.
Vậy, thực chất của những biến đổi cơ bản về kinh tế xã hội là gì, vai trò của "tri thức" trong quá trình biến đổi đó đã có những chuyển biến như thế nào, và đã có những tiến triển gì trong nhận thức con người về những biến đổi đó, từ đó chúng ta cần chuẩn bị gì để có thể tự tin đi vào cuộc hội nhập vì sự phát triển của đất nước và dân tộc ta? Những câu hỏi lớn và cấp bánh, tôi mong được tìm hiểu đôi phần, nhưng tất nhiên không dàm có tham vọng đưa ra câu trả lời. Với mong muốn được cùng trao đổi ý kiến, tôi xin trình bày dưới đây một số nhận thức hạn hẹp về các vấn đề nói trên, và đặc biệt về vai trò của sự phát triển Công nghệ thông tin trong các vấn đề đó.
Comments