Dù cho có dịu bớt mấy đi nữa, sự an dịu kia tuy nhiên vẫn chưa phải là "phương thuốc an thần" tột độ. Dù sao nó cũng giúp để đạt đến phương thuốc ấy, và kẻ nào sở dĩ đã biết thương xót là kẻ ấy đã ý niệm được sự đau khổ của tất cả những cái gì sống. Kẻ ấy bước vào trạng thái tự nguyện xả kỷ, tuyệt đối chặn đứng ý muốn, ý chí của mình, vì tự mình nên từ khước khẳng định bản tính của mình, gạt bỏ sự biểu thị căn bản của tính ấy, nghĩa là cái muốn sống hóa thân trong thể xác họ, hăm hở tự bảo tồn trong thể xác ấy, hăm hở tồn tại bằng cách sinh sản vào các thể xác khác, và lợi dụng mục đích này để tìm khoái lạc trong sự dinh dưỡng và sinh dục. Sự tự nguyện tự tình này, sự từ khước mọi lạc thú này, chính là sự khổ hạnh và trinh khiết, và nếu kiên trì thực hành sẽ dần dà đưa đến sự dập tắt đời sống của thể xác. Nếu nếp sống này lại trở thành chung lệ, thì loài người cũng như loài vật hơn tiêu diệt, và loài người tiêu diệt thì các trí óc cũng tiêu diệt, và trí óc tiêu diệt thì các hình thức tri thức theo không gian, nguyên nhân tính, và do đó luôn cả thế gian, cũng tiêu diệt. Lúc đó tất cả đều chìm trong không hư. Nhưng cái không hư của thế gian chỉ là cái không hư của các hiện tượng. Bằng sự phủ định cái phú định, nó hàm ngụ một cái khẳng định không thể tải nguồn say sưa lạc thú. Cái lạc thú này, mà nghệ thuật thoáng đưa lại cho ta một mùi vị cảm thấy trước, như khi ta vươn mình lên trên cái bầu không khí nặng nề của thế tục, nghệ thuật giải thoát ta khỏi sự áp chế của các dục vọng, cái lạc thú ấy còn đầy đủ hơn cái mỹ cảm vô vạn lần, vì chúng ở đây ý chí chẳng phải chỉ được trấn dịu một lúc, mà đã được dập tắt hẳn, ngoại trừ cái tinh lực cuối cùng cần thiết để duy trì thể xác. Sau khi chiến đấu đã nhiều, khi chỉ còn là chủ thể thuần túy của tri thức, chỉ còn là tấm gương bình thản của thế gian, con người lúc đó mới được giải thoát khỏi đau khổ: "Không còn gì giày vò được nó, không còn gì xúc động được nó, vì tất cả hàng ngàn hàng vạn sợi dây kia của ý chí ràng buộc ta với thế gian, như tham, ghen sợ, sân,... không còn mãnh lực gì đối với nó. Nó đã dứt bỏ được mọi ràng buộc ấy. Với nụ cười trên môi, nó bình thản nhìn cái trò hề thế gian trước kia đã từng làm nó xúc động phiền đau, nhưng giờ đây khiến nó dửng dưng; nó nhìn tất cả như thể những quân cờ khi chơi xong ván, hoặc như khi, sáng ra, nó nhìn các đồ ngụy trang vứt bừa bãi, mà suốt đêm hội đã làm nó thắc mắc xôn xao." Đó là thần bí thuyết mà chính tác giả đã mang đối chiếu với Niết bàn Phật giáo và với một số hình thức khổ hạnh Kitô giáo.
Đặc tính của chủ thuyết này, đó là một triết lý về nội tại và thường hằng, triệt tiêu sự trở thành không những của vật chất mà của cả tinh thần. Vì chưng trở thành, với thời gian, chỉ là một hiện tượng hư ảo phát sinh từ hình thức biểu thị, thì làm sao nó có thể phát sinh được bất cứ cái gì gọi là thật được? Vì chưng ý niệm là khách thể hóa bất dịch của ý chí vĩnh cửu, làm sao nó có thể dấn thân vào trở thành đề tự cấu tạo theo một cách thức nào được? Vốn chỉ là nơi trụ của khổ cực, khô khan, phi lý và không thể thỏa mãn, nên trở thành chẳng sản xuất được gì mà cũng chẳng đi đến đâu. Đó là một sự theo đuổi vô cùng tận những hiện tượng trong đó con người đi không có hạn kỳ, không có mục đích, như con sóc trong lồng. Sự trở thành của nhân loại chẳng phải lên, chẳng phải xuống, mà là lập lại vô bổ cũng những ảo tưởng ấy, cũng những đau khổ ấy. Tượng trưng cho nó là bánh xe Ixion(3), là công dã tràng của Sisyphe(4).
Đi đôi với sự khô khan ấy của trở thành là một sự phá giá của khái niệm nhân loại như một tập thể tập hợp. Đành rằng con người là khách thể hóa cao nhất của ý chí. Đành rằng chính ở con người mà rốt cuộc ý chí có thể tự chiêm nghiệm và tự diệt. Nhưng chính trong cái nội giới của các cá thể, phép lạ kia mới thể hiện được. Nhân loại không phải là một thực thể chủ yếu, mà là một trừu tượng. Ở đó chả có gì tác động. Nó chẳng phải là một cứu cánh tự tại, chẳng phải là dụng cụ để thực hiện một cứu cánh phổ quát cho Thượng đế hay Thánh thần. Nhất là khi ý chí căn bản lại không có ý định, cũng chẳng có cứu cánh. Vì thế cho nên triết li chỉ quan tâm đến cá thể đau khổ, đến sự cứu rỗi của cá thể, cứu rỗi mà chỉ cá thể mới đảm đang được bằng một sáng kiến độc lập. Đô thị của Chúa như thể hủy diệt thế giới hiện tượng chỉ là kết quả của những hành động riêng tư của mỗi người, hành động trực tiếp phát xuất từ cái tự do tuyệt đối hiện thân ở hắn, hành động chẳng phải nhắm vào tha nhân, mà vào chính cái thái độ của mình đối với chính mình, như khổ hạnh, trinh khiết, nhằm đưa con người đến một trạng thái siêu thoát và xuất thần. Đành rằng cá nhân phải khắc phục được cá tính của mình, nhưng sự khắc phục này muốn hoàn toàn, cá nhân phải diệt trừ được cái muốn đến mức hoàn toàn, tiêu diệt chủng loại. Do đo, nhân loại, xét chung, chả đưa lại được gì và cũng chẳng đưa đến đâu.
Sự đồng thời tiêu diệt trở thành và nhân loại này rốt cuộc đưa đến kết quả là hoàn toàn xóa bỏ ý niệm tiến bộ tập thể, triệt để phủ nhận mọi giá trị và ý nghĩa siêu hình của lịch sử, từ bỏ mọi lề lối biện chứng pháp, nhất quyết lên án mọi triết lí dù chỉ hơi nhuốm mùi sử hóa: "Tất cả các triết thuyết dưới hình thức sử, tất cả, dù có thể uy nghi đến đâu chăng nữa, cũng đều làm như thể không từng có Kant(5): chúng đều cho thời gian là một đặc tính cố hữu của sự vật tự tại; vì thế chúng vẫn chỉ quanh quẩn trong vòng các hiện tượng đối chiếu với hữu thể tự tại?". Vì thế cho nên “chúng tôi không đến để kể chuyện lịch sử và lấy đó làm triết lí. Chúng tôi thiển nghĩ khi tưởng rằng có thể dùng các phương pháp lịch sử để giải thích bản tính của thế gian dù các phương pháp ấy có được ngụy trang khéo léo đến đâu chăng nữa, người ta vẫn đi ngược hẳn với triết học: và đây là cái lỗi mà người ta rơi vào ngay khi trong một lí thuyết về bản tính phổ quát tự tại, người ta lại đề ra một trở thành, dù là hiện tại, quá khứ hay tương lai, khi mà cái trước và cái sau có đóng một vai trò trong đó, dù chỉ là một vai trò tầm thường nhất đời, khi mà sau đó người ta lại thừa nhận, dù công khai hay lén lút, trong định mệnh thế gian có một khởi điểm và một chung điểm, rồi một con đường nối hai điểm ấy và trên con đường ấy, cá nhân, bằng triết lí, khám phá ra được cái nơi mà nó đã đạt đến?”
Vì rằng sự biểu thị của cái muốn trong hình thức đời sống và thực tế chỉ ở trong hiện tại mà thôi. Tương lai và quá khứ chỉ là những ý niệm cho tri thức của chúng ta vốn dĩ lệ thuộc nguyên tắc lí trí. "Không ai từng sống trong quá khứ và sẽ sống trong tương lai: chỉ có hiện tại là hình thức của mọi đời sống." Hiện tại là thực thể duy nhất mà không có gì có thể cướp giật được của con người. Quá khứ của giống người, của hàng triệu triệu con người đã từng sống trong quá khứ ấy, cũng như quá khứ của ta, ngay cả quá khứ mới đây nhất, là một giấc mơ trống rỗng của tưởng tượng. Thực tại, chính là cái hiện tại vĩnh cửu của ý chí và đời sống, thờ ơ với các hiện tượng liên tiếp diễn ra; nhưng hình thức biểu thị phân tán nó trong cá nhân thành một chuỗi điểm hiện tại mà ngoài ra, đối với từng cá nhân một, tất cả đều chìm trong cái không hư của quá khứ, trong khi ở họ cái hiện tại v lưu cửu ấy vẫn tồn tại Kẻ nào tự hỏi: Tại sao cái hiện giờ của đời ta lại chính là hiện giờ? Kẻ đó lí hội rằng đời sống của mình và thời gian của mình là hai cái biệt lập nhau, rằng đời mình ngẫu nhiên bị vứt vào giữa thời gian, rằng có hai cái hiện giờ, một cái thuộc khách thể, một cái thuộc chủ thể, rằng mình phải lấy làm mừng là ngẫu nhiên đã trùng hợp chúng. Nên với câu hỏi: Quid fuit? (Cái gì đã là?) phải đáp Quid est (Cái ấy là) và với câu hỏi: Quid erit (Cái ấy sẽ là?), đáp Quot fuit (Cái đó đã là).
Khai trừ các ý niệm nhân loại, trở thành, tiến bộ, lịch sử, biện chứng, căn cứ trực tiếp vào một kinh nghiệm riêng biệt về hiện tại sống, tiếp diễn cảm thức bằng cái hiện tại nối lại cái ý chí vĩnh cửu, Schopenhauer chối bỏ toàn thể, một đằng các chủ thuyết lưu xuất và sa đọa, một đằng các chủ thuyết của Fichte(6), của Schelling(7), và tất nhiên nhất là của Hegel(8). Ngay từ năm 1818, vì kịch liệt phản đối triết học suy lí lúc đó đang thịnh, ông được coi như một thứ hiện sinh, chống đối các "hệ thống" suy luận gọi là "khoa học", là lịch sử cụ thể hóa, một triết lí đời sống, cảm động, cụ thể và bóng bẩy, theo lời Jaspers, thuộc loại tiên tri. Chua chát và chả mấy lúc với lời lẽ châm biếm thóa mạ, ông thách thức toàn thể triết học Đức đương thời: "Cái con điếm, với một cái giá đốn mạt, hôm qua ngủ với thằng này nay ngủ với thằng khác." Đồng thời, tuy lên tiếng đề cao các đức tính cao quý nhất, khó khăn nhất của Ki tô là tình thương, trinh khiết và khổ hạnh, ông vẫn bị coi như là một kẻ vô thần, quỷ quái và phá hoại. Có lẽ vì thế mà vào một thời đại thiên hạ còn say mê thuyết Hegel với những hệ thống biện chứng, luận lí, sử hóa, hay triết lí tôn giáo kiểu Schleiermacher(9), hoặc kiểu Schelling, thoạt đầu chủ thuyết của ông hoàn toàn thất bại. Suốt hơn ba mươi năm trời, là một giáo sư không môn đệ, một nhà văn không độc giả, ông sống cô lập càng thêm chua chát, bản tính đã yếm thế lại càng yếm thế vì những cay đắng ê chề, đã ngạo ngược lại càng ngạo ngươi tự tin mình hơn hẳn bất cứ ai. Năm 1818, cuốn Thế gian như thể ý chí và biểu tượng mà ông tin sẽ làm thiên hạ kinh ngạc, lại rơi vào lãnh đạm. Lớp của ông ở Đại học Berlin mà năm 1819 ông được chấp nhận làm thầy dạy tư, chả được bao lăm thính giả (tất cả có chín người) khiến ông phải bỏ dạy ngay từ tháng 8/1820. Các tiểu luận khác của ông như: Ý chí trong thiên nhiên, Hai vấn đề căn bản của Đạo đức học (Francfort, 1841), các tái bản lần thứ nhất của cuốn Thế gian và tập văn thời còn trẻ là cuốn: Căn số bậc tư của Nguyên tắc Túc Lí đều chẳng ai buồn đọc.
Trái lại, các triết lí giản dị, trực tiếp này, viết bằng một ngôn ngữ sáng sủa và một lối văn sắc sảo, được bồi bổ bằng mọi văn hóa Hy Lạp, La Tinh, Ấn Độ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia và Đức, sử dụng kĩ thuật ít lôi thôi, dựa thẳng vào kinh nghiệm hoặc ngoại giới, hoặc nội tại, nếu không hấp dẫn được các kỹ thuật gia triết học, các chuyên gia khó tính của các viện Đại học, thì lại đủ để lôi cuốn các giới độc giả trung bình có một học vấn vững chãi. Nó đặt họ đối diện ngay với các vấn đề sinh tử đánh thẳng vào lòng bất cứ con người nào: như sinh hoạt, định mệnh, đời sống, cái chết của họ, như tình ái, đàn bà, v.v...
Vì thế, cho nên ngay khi vào một thời mà người ta bắt đầu chán ngấy các bộ máy siêu hình vĩ đại, Schopenhauer trực tiếp ngỏ lời với đại chúng, bên ngoài bộ máy kĩ thuật, trong một loạt tiểu luận văn nghệ như: Phụ khoán và Số thừa (tháng 11/1851) ông bình luận rất linh hoạt các đề tài chủ yếu của ông như: các tương quan giữa lí tưởng và thực tế định mệnh cá nhân, duy linh thuyết, nỗi đau khổ chung, tự sát, bản năng nhục dục, v.v.., thành công thật là bất ngờ. Các tập san Jahreseiten ở Hambourg (1851), Westminster Review (1852), Revue des Deux Mondes (tháng 8/1856) đều lần lượt công bố cho thế giới biết sự xuất hiện tại Đức của một triết gia mới, phá bỏ các thần tượng, và xưa nay chưa từng thấy. Môn đệ hưởng ứng ầm ầm; nào luật sư, luật gia, thẩm phán, nào giảng sư, giáo sư, sinh viên luật, triết, v.v... Thẩm phán Dorguth, ký giả Lindner trong tờ Gazette de Voss, sinh viên Frauenstadt, và từ năm 1856, giáo sư Anh Asher, đều hăng hái tuyên truyền cho ông. Cuốn Thế gian như thể ý chí và biểu tượng trước kia ế chảy, giờ bán chạy như tôm tươi, và được tái bản liên tục. Thế là danh vọng. Richard Wagner(10) đề tặng ông một bản Ring, kịch giả Hebbel(11) cùng nhiều danh nhân Pháp như Foucher de Careil, Challemel- Lacour, đến tận Fracfort thăm viếng ông, ngồi cùng bàn với ông tại Hotel d’Angleterre để nghe ông thuyết.
Ông đã hy vọng đúng. Vào thời kì không ai ngó ngàng, trong bài tựa cho bản dịch La Tinh cuốn Lí thuyết màu sắc của ông, ông từng viết: Tempo è galantuomo; giờ đây, trước giờ chết, ông có thể viết lên đầu cuốn Thế gian tái bản lần thư ba lời này của Pétrarque: Si quis kho me currens, perven- il an vesperam, satis est (Nếu cứ chạy cả ngày cho đến chiều tất phải khát). Như thế chẳng phải là một thái độ lạc quan đặc biệt của một triết gia bi quan như ông trong chủ thuyết hay không?
Thật vậy, mới thoạt nhìn, giữa con người ông và công trình ông là cả một mâu thuẫn khó hiểu. Đành rằng, người ta có thể bảo rằng, về một phần lớn cái nhìn bi quan về sự vật của ông phù hợp với nội tâm ông. Luôn luôn ưu tư, hay buồn phiền cáu kỉnh, đó hẳn là những nét chính của tính tình ông, mà những nỗi gian truân của đời ông không khỏi làm nặng thêm, như: bố là người có đầu óc rộng rãi phóng khoáng lại mất sớm, mẹ thì ích kỉ lại thờ ơ, vì chữ hiếu phải theo đuổi nghề buôn đi ngược với bẩm tính mình, rồi khi thoát li để buông lỏng thiên tài mình lại thất vọng với nghề giáo, nghề văn, hơn ba chục năm bao nhiêu công trình nằm vùi trong tăm tối. Nhưng, ngược lại, cả một sự hăng hái, cả một sự châm biếm, cả một sự tự tín! Tình cảm dồn dập: nào thù, nào giận, nào oán, nào khinh! Lại đến là ích kỉ! Ham chuộng hưởng thụ mọi lạc thú trên đời kể cả cao lương mĩ vị? Lại thích phô trương! Bản tính thích thưởng thức các cái thú của danh vọng rốt cuộc đến với mình và các sự thỏa mãn của lòng kiêu ngạo được bù đắp! Chả còn thấy gì là từ bỏ thế tục, là phá ngã, là tình thương, là trinh khiết, là khổ hạnh? "Thuyết đạo đức thì dễ, ông thú nhận, nhưng tạo dựng nó thì khó..?”, "hóa thân nó" còn khó nữa, đó là lời thêm thắt nhí nhảnh của một tiểu sử gia của ông. Tuy nhiên, một triết gia thuộc loại tiên tri, rắc vãi chủ thuyết của mình như một hiệu triệu cứu rỗi, như một lề lối sống, phải chăng còn hơn một triết gia nào khác, phải như Socrates(12), phải thể hiện ở mình cái chủ thuyết của mình như một tấm gương sống? Vậy Schopenhauer là gì? Là bịp bợm hay chân thành? Là phường tuồng hay triết gia?
Đời ông, đành rằng, chứng tỏ ông không thực thi triết thuyết của ông; nhưng nó cũng chứng tỏ, không kém hiển nhiên rằng, ông hoàn toàn tin tưởng, nhất quyết tin tưởng ở nó. Và bài toán chả có gì là khôn giải.
Trước hết, theo cái nhìn của Schopenhauer, triết lí vốn dĩ chỉ là sự mô tả cái xấu và nguồn gốc nó trên lí thuyết, không phải là phương thuốc chữa xấu Nó chỉ giúp để khám phá xem cái xấu nằm đâu Tri thức lí thuyết, dù cho hoàn hảo cách mấy, cũng không đủ để cứu rỗi. Ngay cả nó cũng chẳng là điều kiện cần thiết cho cứu rỗi, vì ta có thể tự cứu rỗi mà chả cần đến nó, thoáng qua bằng nghệ thuật, và hẳn hoi bằng những tôn giáo như Phật giáo. Giả tỉ như có triết lí rồi, cứu rỗi còn đòi hỏi một hành động tự nguyện biệt lập. Nói tóm lại, hành động từ bỏ giả thiết một căn cơ cũng tựa như nghệ sĩ giả thiết phải có thiên tài. Do đó sự khác biệt lớn lao giữa Schopenhauer với Platon, Spinoza, Fichte, và từ năm 1801, Schelling, Hegel, v.v. . Sự tương phản giữa chủ thuyết với nếp sống của tác giả nó do đó biến mất ngay khi người ta xét đến tính tình con người theo quan điểm trí năng chứ không theo quan điểm đạo đức. Năm 1814, ông viết: "Triết thuyết của tôi phải khác với tất cả các triết thuyết khác ở chỗ nó như không phải là một khoa học, mà là một nghệ thuật". Triết thuyết này "phát sinh từ một trực giác sống động về bản tính của thế gian", và "tất cả các tư tưởng được mô tả trong đó đều được sao lại từ một ấn bản trực giác, vì được phát xuất từ đối tượng, mà không cần biết chúng đưa đến cái gì. Tất cả đường bán kính xuất phát từ ngoại biên đều tập trung về cùng một trung tâm điểm". Do đó mà có những lời tuyên bố như "tư tưởng duy nhất", "thành Thèbes trăm cửa", v.v... Vì chúng triết lí chẳng phải là luân lí, là tôn giáo, mà là công trình nghệ thuật, nên triết gia, cũng như nghệ sĩ, không buộc phải gò mình theo kiểu mẫu mình đã tạo ra: phát giác bản tính của thế gian và bí mật của cứu rỗi chẳng phải là đồng thời vạch hướng cho ý chí, cũng chẳng phải ra chỉ thị cho nó. Triết gia nằm trong tác phẩm của mình cũng như nghệ sĩ nằm trong tác phẩm của họ, bằng cái hăng say, cái xác tín khi đóng vai trò của nhân vật chính mà thiên tài của mình gợi hứng cho mình và mình hiện thân trong vai trò ấy. Vì vậy, thái độ bi quan của ông về con người và sự vật đồng thời cũng diễn đạt cái cảm thức của ông về cái khả năng hơn người của cái thiên tài của mình, và nhờ đó ông thấy mình từ trên nhìn xuống thế gian và các đám người lúc nhúc. Ông là thước đo cho mọi lòng kiêu ngạo và một thiên tài xuất chúng loại lãng mạn. Schopenhauer thường hay nói: "Tôi không phải là ông thánh". Và lời tuyên bố này chả có gì là tự hạ. Sự mâu thuẫn giữa nhân cách và tác phẩm do đó được bù đắp bằng sự hòa hợp giữa tác phẩm với đặc tính tri thức của tác giả, với đường nét của thiên tài của ông. Và, đối với Schopenhauer, sự hòa hợp này là điều thiết yếu, vì theo ông, nhân cách tri thức, chứ không phải nhân cách đạo đức, tạo ra con người hơn người. Thật vậy, ông viết: "Đặc tính tri thức quyết định diện mạo của những bậc thiên tài mà tôi xin gọi là những nhà lí thuyết; đặc tính ấy đóng lên họ cái dấu của sự lỗi lạc, nhất là trong đôi mắt và trên trán. Ở các người tầm thường, cái diện mạo lí thuyết ấy chỉ là bóng mờ. Trái lại, diện mạo thực tế, của tâm trạng luân lí hiện diện ở mọi người: nó hiển hiện ở mồm." Chắc chắn là Schopenhauer không ưa đường nét của miệng mình, nhưng điều thiết yếu là có ở đôi mắt và ở trên trán cái dấu của thiên tài là đủ, và vì thế ông không cần mình phải là một ông thánh.
Chú thích
1. Bichat, Xavier (1771 1802): bác sỹ, nhà nghiên cứu bệnh học Pháp.
2. Platon (427 BC - 347 BC): Triết gia Hy Lạp cổ, người sáng lập viện Hàn lâm ở Athens.
3, 4. Theo thần thoại Hy Lạp, do mắc trọng tội, Ixion bị đuổi khỏi đỉnh Olympus và chịu trừng phạt bằng cách trói vào một bánh xe quay bất tận; còn Sisyphe bị tội vần đá lên núi, gần tới đỉnh hòn đá lăn xuống và Sisyphe lại tiếp tục từ đầu hình phạt triền miên vĩnh viễn ấy.
5. Immanuel Kant (1724 - 1804): nhà triết học Đức, được coi là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất đối với Châu Âu hiện đại.
6. Johann Fichte (1762 - 1814): nhà triết học Đức có tầm quan trọng lớn trong lịch sử triết học phương Tây, một trong những bậc tiền bối lãnh đạo Chủ nghĩa duy tâm Đức.
7. Friedrich Wilhelm Joseph von Schelling (1775 - 1854): nhà triết học Đức, Schelling là điểm trung gian trong sự phát triển chủ nghĩa duy tâm Đức, giữa Fichte và Hegel.
8. Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 - 1831): nhà triết học Đức.
9. Friedrich Daniel Ernst Schleiermacher (1768 - 1834): Nhà thần học và triết học Ý.
10. Wilhelm Richard Wagner (1813 - 1883): Nhà soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc, lý luận âm nhạc và nhà viết tuỳ bút nổi tiếng người Đọc.
11. Christian Friedrich Hebbel (1813 - 1863): Nhà thơ và nhà viết kịch người Đức.
12. Socrates (470 - 399 BC): Triết gia Hy Lạp.
Comments