Nhưng không phải chỉ có tình yêu tha thiết bị cản trở mới đôi khi đi tìm một giải pháp bi đát; ngay cả tình yêu thỏa mãn thường cũng đưa đến tai họa thay vì hạnh phúc. Vì các sự đời hỏi của nó thường xung đột với hạnh phúc riêng tư của đương sự làm hắn hao mòn; thật vậy, các đòi hỏi ấy xung khắc với các điều kiện khác của đời sống hắn và hủy diệt nếp sống xây dựng trên các điều kiện này. Vả lại tình yêu không những xung khắc với hoàn cảnh bên ngoài, mà còn xung khắc với cá tính riêng tư, ở chỗ nó bám lấy những người mà, ngoài sự giao cấu ra, kẻ si tình chỉ còn thấy đáng ghét, đáng khinh, nếu không phải là ghê tởm. Nhưng ý chí chủng loại mạnh hơn ý chí cá nhân quá nhiều đến nỗi kẻ si tình nhắm mắt trước mọi đặc tính làm hắn ghê tởm, để hắn không còn thấy gì, để quên hết, để suốt đời bám lấy vật si mê của mình; cái ảo tưởng ấy làm mù quáng hắn đến chừng nào, và chỉ biến mất ngay khi khát vọng của chủng loại được thỏa mãn, nhưng vẫn để lại một người bạn đời mà mình thù ghét. Chỉ có điều này mới giải thích được tại sao ta thường thấy có những người rất biết điều, lỗi lạc là khác, lại lấy những quỷ sứ bà chằng, khiến ta không hiểu tại sao họ lại đi chọn những người vợ như vậy. Nên người xưa thường mô tả ái tình như là mù quáng. Hơn thế: một kẻ si tình còn có thể thấy rõ và khổ sở ê chề với các nết xấu không sao chịu nổi về tính khí cũng như tính tình của vị hôn thê của mình mà vẫn không ớn:
I ask not, I care not,
If guilt’s in thy heart;
I know that I love thee,
Whalever thou art
Anh chẳng hỏi, anh chẳng cần,
Có gì xấu trong lòng em;
Anh chỉ biết anh yêu em,
Dù em là gì đi nữa.
Vì xét cho cùng hắn đâu có tìm cái hay cho mình, mà tìm cho một đệ tam nhân, còn được cấu sinh, mặc dù cái ảo tưởng bao lấy hắn khiến hắn tưởng mình chỉ có tìm hạnh phúc cho mình. Nhưng cứ cái điều không theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình cũng đã phết cho tình yêu say đắm cái nước sơn cao cả làm nó thành một đối tượng đáng được thi ca tán tụng. - Sau hết, tình yêu còn chịu đựng được cả với cái thù tột độ đối với đối tượng của nó; vì thế cho nên Platon đã từng so sánh nó như tình yêu chó sói đối với cừu cái. Thật vậy, đó là điều xảy ra khi một kẻ si mê không được toại nguyện vì một điều kiện nào đó, bất chấp mọi nỗ lực, mọi van lơn của hắn.
I love and hate her
(Tôi yêu nàng và tôi ghét nàng)Shakespeare
Cái thù ghét người yêu, lúc đó bốc cháy, đôi khi đi xa đến mức hắn giết nàng rồi tự xử lấy mình. Hàng năm thường xảy ra nhiều vụ như thế; cứ xem báo thì biết. Nên lời thơ sau đây của Goethe[17] rất đúng:
Bei aller verschmaehten Liebe!
Beim hoellischen Elemente!
Ich wollt’ ich wusst’ was aerger’s, dass ich fluchen koennte
(Bị mọi tình yêu khinh bỉ, bị cái yếu tố độc địa!
Tôi muốn biết cái gì kinh khủng hơn thế nữa, để nói lên niềm bất hạnh của tôi!)
Quả thật người ta không thể bảo là khoa đại, khi một kẻ si tình gọi là độc ác cái thái độ lạnh lùng và kiêu hãnh của người mình yêu đang tâm lấy nỗi đau khổ của mình làm trò đùa. Vì hắn bị đặt dưới sự chế ngự của một nhu cầu tương tự như bản năng của côn trùng, buộc hắn phải theo đuổi mục đích, bất chấp mọi lý luận của lý trí và gạt bỏ mọi cái ra sau; hắn không tài nào trốn thoát. Đâu phải chỉ có một, mà vô số Pétrarque, suốt đời lê lết, như đeo một xích sắt, một quả tạ ở chân, một mối tình si không thỏa mãn, thở vắn than dài trong các cánh rừng hoang vu; nhưng chỉ Pétrarque mới có hồn thơ, khiến ta có thể áp dụng cho hắn lời thơ diễm lệ này của Goethe:
Und wenn der Mensch in seiner Qual verstummt,
Gab mir ein Gott, zu sagen, wie ich leide.
(Và khi mà con người, trong đau khổ, không nói lên lời
Thì đã có một vị thần nói lên những gì tôi chịu đựng).
Thật ra, tinh thần chủng loại không ngừng chiến đấu chống lại các thần bảo vệ các cá nhân, là kẻ hành hạ họ, là kẻ thù của họ, lúc nào cũng sẵn sàng thẳng tay tiêu diệt hạnh phúc riêng tư để đạt được các cứu cánh của mình; ngay cả sự an lạc của hàng bao nhiêu quốc gia cũng từng là nhạn nhân của các trái chứng của nó: Shakespeare từng cho ta một tỉ dụ về loại này trong vở Henri IV, phần III, hồi 3, các cảnh 2 và 3. Tất cả những gì xảy ra cũng chỉ vì cái chủng loại mà trong đó bản thân ta đóng rễ đối với ta có một quyền hành mật thiết hơn, lâu đời hơn là cá nhân và do đó các quyền lợi của nó tất cũng hơn. Chính vì trực giác được chân lý này mà cổ nhân đã nhân cách hóa tinh thần chủng loại dưới hình thức thần ái tình, một thứ thần diện mạo ấu trĩ, mà lại nham hiểm, ác độc, và chính vì thế mà ai ai cũng phỉ nhổ, thứ quỷ bất nhất, chuyên chế, tuy nhiên lại làm chủ các thần cũng như loài người.
Tu, deorum hominumque tyranne, Amor!
(Hỡi ái tình, thống trị các thần cũng như loài người!)
Một vũ khí giết người, đôi mắt mù lòa và đôi cánh, đó là những biểu hiện của nó. Đôi cánh tượng trưng cho bất nhất, thường thì chỉ xuất hiện với sự thất vọng, con đẻ của khoái lạc.
Thật vậy, vì tình yêu dựa vào cái ảo tưởng nó làm lóng lánh những gì chỉ có giá trị cho chủng loại như một của quý cho cá nhân, nên một khi mục đích đã đạt thì ảo ảnh cũng tiêu tan. Tinh thần chủng loại xâm chiếm cá nhân lúc đó cũng trả lại tự do cho cá nhân. Bị ruồng bỏ, cá nhân lại rơi lại trong các giới hạn và trong sự nghèo nàn cổ sơ của hắn, và lấy làm lạ rằng sau bao nhiêu nỗ lực cao đẹp như thế, anh hùng như thế, phi thường như thế, rút cuộc hắn chỉ còn được hưởng cái gì của một cái thú nhục dục; trái với sự mong mỏi, hắn thấy mình cũng chẳng sung sướng gì hơn trước. Hắn nhận thấy mình đã bị cái ý chí của chủng loại lừa bịp; vì thế cho nên một Thésée khi đã chán chường tất rời bỏ nàng Ariane của mình. Nếu tình yêu của Pétrarque lại được thỏa mãn, thì ngày từ phút đó hắn cũng ngưng tiếng hát, cũng như chim hót khi trứng vừa đẻ xong.
Ở đây, thiết tưởng cũng nên nói qua rằng luận điệu siêu hình tình yêu của tôi hẳn làm phật ý những kẻ không mắc lưới tình yêu, cái chân lý căn bản mà tôi nói ra đáng lẽ phải hơn bất cứ mọi cái gì khác, giúp họ có khả năng chế ngự mọi tình yêu, miễn sao những nhận xét lý trí có một quyền lực gì đối với một tình yêu. Tuy nhiên người ta chắc hẳn lại dựa vào lời nói của nhà hài hước Latinh: “Quae res in se neque consilium, neque modum haber ullum, eam consilio regere non potes.” (Đó là một cái tự nó chả biết gì là khôn ngoan, là chừng mực; ta không thể dùng khôn ngoan mà trị nó được).
Các cuộc hôn nhân ái tình đều được kết thúc vì quyền lợi của chủng loại, không phải vì quyền lợi của các cá nhân. Đành rằng các được sự tự dối mình với cá ảo ảnh rằng mình hành động cho hạnh phúc của riêng mình, nhưng chính cái cứu cánh thực sự của họ cũng xa lạ đối với chính họ, vì cứu cánh đó là cấu sinh một cá nhân chỉ có thể cấu sinh được do họ mà thôi. Vì thế họ phải làm sao cho được ý hợp tâm đầu hết sức, một khi cái mục đích ấy đã ràng buộc họ với nhau. Nhưng thường thì các cặp được sắp xếp do cái ảo tưởng bản năng kia vốn dĩ là yếu tính của tình yêu say đắm, lại mang một tính chất bất đồng nhất. Sự bất đồng lại càng bộc lộ khi ảo tưởng tiêu tan, một điều không sao tránh khỏi. Vì vậy mà các cuộc phối hợp vì tình thường có một chung cục không tốt đẹp; vì chúng lo cho thế hệ tương lai mà lơ là với thế hệ hiện sống. Quien se casa por amores, ha de vivir con dolores(Kẻ nào lấy vì yêu, kẻ đó sẽ sống trong đau khổ), một câu phương ngôn Tây Ban Nha nói. - Ngược lại là các cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, thường được cấu kết theo sự lựa chọn của cha mẹ. Các điều nhận xét trong trường hợp này, dù có tính chất gì đi chăng nữa, ít ra cũng thực tế và không thể tự chúng tiêu tán được. Chúng chú trọng vào hạnh phúc của các cá nhân hiện hữu, đành rằng bất lợi cho những kẻ đến sau; và cái hạnh phúc kia dù sao cũng chưa có gì làm chắc. Người khi lấy vợ, nghĩ đến tiền hơn là thỏa mãn xu hướng của mình, người đó sống như một cá nhân hơn là một phần tử của chủng loại; nhưng như thế là trái với chân lý, nên có vẻ như trái với thiên nhiên và do đó không khỏi bị người khinh khi. Một thiếu nữ, cưỡng lại ý kiến cha mẹ, từ chối lời cầu hôn của một người giàu có và còn trẻ, gạt bỏ sang một bên mọi nhận xét đăng đối và nhất nhất lựa chọn theo xu hướng bản năng của mình, thiếu nữ đó hy sinh cái lợi cá nhân mình cho cái lợi chủng loại. Nhưng chính vì thế mà người ta không thể không tán thành cô ta; vì cô ta thích cái thiết yếu hơn và đã hành động theo tinh thần thiên nhiên (đúng ra là tinh thần chủng loại), trong khi lời khuyên của cha mẹ đi theo chiều vị kỷ cá nhân. - Xem thế thì hình như, trong một cuộc hôn nhân hoặc là cá nhân, hoặc là quyền lợi chủng loại, phải một đằng bị thiệt. Thường thì như vậy hơn; vì muốn cả đăng đối cả tình yêu cùng đi song song thì quả thật là một sự may mắn hy hữu. Sở dĩ bản chất của đa số nhân loại thật tồi tệ về phương diện thể chất cũng như đạo đức và trí tuệ cũng phần vì người ta lấy nhau, chẳng phải vì lựa chọn và tình yêu không thôi, mà còn theo đủ thứ yếu tố ngoại lai, và trường hợp ngẫu nhiên này khác. Nếu trái lại người ta quan tâm phần nào đến tình yêu thêm vào đăng đối, âu đó cũng là một bổ sung cho tinh thần chủng loại. Ai cũng biết các cuộc hôn nhân hạnh phúc rất hiếm; chính vì yếu tính của hôn nhân là cứu cánh, tối thượng của nó chẳng phải là thế hệ hiện tại, mà là thế hệ tương lai. Tuy nhiên, để an ủi những tâm hồn âu yếm yêu đương, ta cần nói thêm rằng đôi khi đi đôi với tình yêu nhục dục đắm đuối còn có một tình cảm mang một nguồn gốc khác hẳn, một tình bạn thực sự xây dựng trên sự hòa hợp giữa hai đầu óc; tuy nhiên thường khi tình cảm ấy chỉ biểu hiện khi ái tình đích danh đã tắt vì đã phỉ nguyện. Thường thì nó nảy sinh khi các đặc tính bổ khuyết và tương đối của hai cá nhân, dù là đặc tính thể chất, tinh thần hay trí tuệ, vốn dĩ khiến ái tình nảy nở, để tạo ra cá thể phải cấu sinh, lại bổ khuyết được nhau về tính tình cũng như trí tuệ và do đó giúp cho hai tâm hồn hòa hợp.
Toàn thể siêu hình tình yêu được trình bày ở đây triệt để phù hợp với siêu hình của tôi nói chung, và ta có thể tóm tắt như sau những điều nó giúp là sáng tỏ thêm thuyết siêu hình của tôi:
Ta thấy rằng sự tuyển lựa thận trọng trong việc tìm thỏa mãn dục tính, sự tuyển lựa nó lần lần bước lên hàng vô số cấp bực cho đến cái mức độ của tình yêu say đắm, dựa vào mối quan tâm tỉ mỉ của con người đến sự cấu tạo đặc biệt của cá nhân thế hệ tương lai. Và mối quan tâm tha thiết này xác nhận hai chân lý từng được trình bày trong các chương trước: 1 - Tính chất bất diệt của bản thể tự tại của con người, nó tồn tại trong cái thế hệ tương lai kia. Vì mối quan tâm rất hăng hái và nhiệt thành kia, phát sinh không phải do sự suy tư và cố ý, mà do khát vọng và do xu hướng sâu kín nhất của bản thể ta, đã không thể lại bất diệt đến thế và có một quyền lực mạnh mẽ đến thế đối với con người, nếu như con người lại tuyệt đối khả diệt và một thế hệ thực sự và hoàn toàn khác hẳn nó chỉ có việc theo nó trong thời gian. 2 - Rằng bản thể tự tại của con người nằm trong chủng loại hơn là trong cá nhân. Vì mối quan tâm đến bản chất đặc biệt của chủng loại kia, nó là nguồn gốc của mọi cuộc tình duyên, từ cái yêu thoáng cho đến mối tình say đắm nhất, quả thật đối với từng người đều là chuyện quan trọng nhất, nghĩa là chuyện mà thành hay bại đều làm người ta xúc động nhất; nên người ta thích gọi đó là những chuyện tâm tình: mọi quyền lợi liên quan đến con người duy nhất nào đó đều được đặt sau quyền lợi của chủng loại, một khi đã biểu lộ mãnh liệt và cương quyết, và nếu cần, phải được hi sinh cho quyền lợi chủng loại. Như thế, con người chứng tỏ rằng nó coi trọng chủng loại hơn là cá nhân, và nó sống gần chủng loại hơn là cá nhân. - Vậy thì tại sao kẻ si tình lại cứ luẩn quẩn hoàn toàn quy lụy trước mắt người mình yêu, sẵn sàng hy sinh mọi cái? - Vì chính cái phần bất diệt của bản thể hắn mới tha thiết khao khát cô ta, còn lại chỉ là phần tất diệt. - Cái khát vọng mãnh liệt và ngay cả thành khẩn kia nhắm vào một người đàn bà nhất định do đó là một đảm bảo tức thời cho tính chất bất diệt của yếu tính của bản thể chúng ta và cho sự tồn tại của nó trong chủng loại. Nhưng nếu vậy thì khi coi sự tồn tại đó là một cái không đáng kể và tầm thường tất là một điều nhầm lẫn; sở dĩ có sự nhầm lẫn này là vì, nói đến sự tồn tại của chủng loại, người ta chỉ biết liên tưởng đến sự hiện hữu tương lai của những con người giống nhau, nhưng không đồng nhất với chúng ta; và quan niệm này tự nó lại phát sinh ở điều là, khởi đi từ một kiến thức hướng về các ngoại vật, người ta chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài của chủng loại như ta ý thức bằng trực giác, chứ không quan tâm đến bản thể nội tại của nó. Nhưng chính cái bản tính nội tại ấy mới là cái căn bản, là trung tâm của ý thức của chính chúng ta; do đó nó còn trực tiếp hơn là ý thức, và, vì là vật tự tại, nó không lệ thuộc vào nguyên lý cá nhân. Cái bản tính này thật ra ở mọi cá nhân đều có như nhau, dù họ sống đồng thời hay kế tiếp nhau. Và nó chính là cái ý chí sống, tức là cái gì đòi hỏi rất ư khẩn thiết sự sống và sự sống còn. Cái ý chí ấy được miễn chết; cái chết không động đến nó. Nhưng đồng thời, nó cũng không thể đạt đến một trạng thái tốt đẹp hơn là trạng thái hiện tại của nó; nên cái chời đợi nó với sự sống muôn đời vẫn là sự đau khổ và cái chết dành cho các cá nhân. Chỉ có sự phủ nhận cái muốn sống mới giải thoát nó khỏi đau khổ và chết; có phủ nhận cái muốn sống, ý chí cá nhân mới dứt mình ra khỏi cái gốc chủng loại và từ bỏ mọi hiện hữu trong chủng loại. Muốn hiểu lúc đó nó là gì, ta không đủ sức hiểu, và cũng thiếu hết các dữ kiện liên quan đến nó. Chúng ta chỉ có thể mệnh danh nó như một cái gì có tự do sống hay không có ý chí sống. Trong trường hợp sau, Phật giáo dùng danh từ Niết bàn. Đây là điểm mà kiến thức của con người không tài nào hiểu nổi.
Nếu giờ đây (theo cái viễn tưởng của các ý nghĩ cuối này), ta nhìn sâu vào cái náo nhiệt của đời sống, ta thấy mọi con người bị giày vò bởi những đau khổ lo âu của kiếp sống này, ra sức thỏa mãn các nhu cầu vô tận và chống lại muôn điều khổ não, để không mong mỏi gì hơn là bảo tồn cái kiếp sống cá nhân quằn quại trong một thời gian ngắn ngủi. Thế mà giữa cảnh hỗn loạn ấy, ta bắt gặp bốn mắt giao nhau đầy thèm muốn của đôi nhân tình. - Nhưng tại sao lại phải nhìn trộm, sợ sệt, lén lút? - Bởi vì đôi nhân tình kia là những kẻ phản bội thầm lén tìm cách lưu tồn tất cả cái khốn khổ, tất cả các phiền não kia nếu không có họ tất phải chấm dứt; họ muốn ngăn cản không cho chúng dứt; cũng như các kẻ giống họ từng làm trước họ. Nhưng nói vậy là đã đi quá chương này rồi.
Chú thích:
[1] Burger (Gotteried August): Sinh tại Phổ năm 1747, mất năm 1796, nổi danh nhờ các bài thơ tứ đoạn như Lenor, Chàng thợ săn man rợ, Cô con gái của mục sư Taubénhain, v.v... Các vần thơ này trích trong bài Shon Suschen.
[2] Francois La Rochefoucauld (1613 - 1680): Tác giả của nhiều câu danh ngôn và các cuốn hồi ký. Ông thuộc giới quý tộc Pháp thế kỷ 17.
[3] Lichtenberg (1742 - 1799): Giáo sư triết học thực nghiệm tại Gottingen. Tác giả cuốn tiểu luận về sức mạnh của ái tình, ông nổi danh nhất là nhờ phê bình Lavater.
[4] Boileau Despréaux (Nicolas): Thi sĩ và phê bình gia Pháp (1630 - 1711).
[5] Jacques Ortis: Nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết viết theo thể thư từ của Ugo Foscolo, nhan đề Ultime Lettere Di Jacques Ortis (1802). Jacques yêu Terasa và được nàng yêu nhưng không lấy được nàng vì nàng đã có người cầu hôn. Thất vọng, chàng tự tử. Trong thiên tình sử này còn lẫn cả tình yêu tổ quốc tha thiết. Cuốn sách được coi là một tác phẩm của nền văn chương Italia vào đầu thế kỷ XIX.
[6] Jean - Jacques Rousseau (1712 - 1778): Nhà triết học Pháp - Thụy Sỹ thuộc phong trào Khai sáng, tư tưởng chính trị của ông có ảnh hưởng tới cách mạng Pháp, sự phát triển của học thuyết XHCN và sự lớn mạnh của dân tộc chủ nghĩa.
[7] Benedictus de Spinoza (1632 - 1677): Nhà triết học Hà Lan, được coi là người theo chủ nghĩa duy lý của triết học thế kỷ 17, tác phẩm lớn nhất của ông là “Đạo đức học” (Ethics).
[8] Pedro Calderon de la Barca (1600 - 1681): Nhà việt kịch và nhà thơ Tây Ban Nha.
[9] Sémiramis: Theo truyền thuyết là nữ hoàng của đế quốc cổ đại Assyrian (Tây Á)
[10] Xanthippe: Vợ của Socrate, trong nhiều câu truyện đồn đại thì Xanthippe được biết tới là một người vợ chua ngoa, lắm điều. Ngày nay, tên của bà được dành chỉ những bà vợ ngoa ngoắt
[11] Hufeland (Chistophe Guilaume): 1762 - 1836. Giáo sư bệnh học Đại học Berlin.
[12] Paraceles de Hohenheim (1495 - 1541): Lương y, chiêm tinh gia, người Thụy Sỹ.
[13] Mateo Aleman (1547 - 1609): Tiểu thuyết gia Tây Ban Nha.
[14] Nicolas Chamfort (1741 - 1794): Nhà văn Pháp
[15] Của Scribe viết vào các năm 1820 - 1826.
[16] Tancrède là nhân vật trong vở Jerusalem délivrée của Tass; Don Carlos, Wallenstein, La Fiancée de Messine của Schiller
[17] Joham Wolfgang von Goethe (1749 - 1832): Học giả Đức, ông là họa sĩ, nhà viết kịch, nhà thơ, nhà nhân văn học, khoa học và triết gia
Comments