Các vị là những bực minh triết, học vấn cao thâm
Các vị lý hội và hiểu biết
Làm sao, nơi nao và khi nào tất cả đều phối hợp?
Tại sao tất cả đều trao đổi yêu đương ân ái?
Hỡi các vị, các bực chí minh, hãy nói tôi biết đầu đuôi!
Hãy cho tôi thấy chuyện gì đã xảy đến cho tôi,
Hãy cho tôi thấy nơi nao, làm sao và khi nào
Tại sao chuyện như thế lại đến với tôi?
Burger[1]
Người ta có thói coi các nhà thơ nhất thiết chỉ lo mô tả ái tình. Ái tình thường là đề tài chính của mọi vở kịch, cổ điển cũng như lãng mạn, Ấn như Âu; đồng thời nó cũng vẫn là chất liệu của phần lớn thi ca trữ tình và hùng tráng; chưa hết, ngoài thi ca còn hàng đống tiểu thuyết mà tại mọi xứ văn minh ở Âu, và từ bao thế kỉ nay, mỗi năm sản xuất đều đều cũng như hoa quả của trái đất. Tất cả các tác phẩm ấy xét cho cùng đều chẳng qua chỉ là những sự diễn tả, hoặc sơ sài, hoặc tỉ mỉ, về cái đam mê mà chúng ta đề cập đến đây. Lại nữa các mô tả thành công nhất về cái này, chẳng hạn như Roméo và Juliette, La Nouvelle Héloise, Werther, đều trở thành bất hủ. La Rochefoucauld[2] cho rằng ái tình đam mê cũng chẳng khác gì ma, ai ai cũng nói đến, nhưng chẳng ai thấy; và Lichtenberg[3] cũng vậy, trong tập khảo luận về sức mạnh của ái tình, ông cũng phủ nhận và bác bỏ cái thực tính của đam mê này cùng sự phù hợp của nó với thiên nhiên: nhưng đó là một sự lầm lẫn lớn. Vì một cái gì xa lạ và trái với bản chất con người, tức là một sản phẩm kỳ cục riêng của tư tưởng, không thể nào lại đời đời được thiên tài thi ca không ngớt mô tả, và lại được nhân loại tiếp đón với một lòng ái mộ không bao giờ khô cạn; vì không có chân lý không thể có thẩm mỹ:
Không gì đẹp bằng cái thật: chỉ cái thật mới đáng yêu.
Boileau[4]
Kinh nghiệm cũng lại xác nhận, nếu không thông thường, thì ít ra cũng chắc chắn, rằng một khuynh hướng mà thường chỉ diễn ra với một cường độ khả dĩ còn kiềm chế được, có thể, trong vài trường hợp, gia tăng đến mức trở thành một đam mê mãnh liệt vượt hẳn mọi đam mê khác; lúc đó nó vứt bỏ mọi suy xét và vượt qua mọi trở ngại với một nghị lực và một sự bền bỉ, ngoài sự tưởng tượng, đến nỗi, để thỏa mãn nó, người ta liều mạng, và còn thí bỏ mạng mình một cách khinh miệt, một khi sự thỏa mãn vẫn bị từ khước. Các Werther và Jacques Ortis[5] chẳng phải chỉ có trong tiểu thuyết, mà trái lại, hàng năm ở bên Âu còn thấy ít ra cũng nửa tá: sed ignotis perierunt morlibus illi (nhưng họ đã chết trong tăm tối), vì cái nỗi khổ đau của họ chả được ai ghi chép ngoài người biên tập biên bản hành chính hay phóng viên nhà báo. Nhưng những ai hay đọc các tin cảnh sát trên báo hàng ngày của Anh hay Pháp hẳn chứng nhận rằng tôi nói đúng. Tuy nhiên số người mà tình lụy đưa đến nhà thương điên còn đông hơn nữa. Sau hết, hàng nằm người ta còn chứng kiến bao nhiêu cặp trai gái tự tử vì tình duyên trắc trở, vì hoàn cảnh éo le; quả thật tôi không tài nào hiểu nổi là những người, khi yêu và biết chắc mình được yêu và hi vọng được hưởng ở tình yêu ấy một hạnh phúc tột độ, lại không thích tìm mọi cách để tránh né các éo le oan trái và chịu đựng mọi đau khổ, thay vì là từ bỏ cùng với đời sống một cái hạnh phúc mà ngoài ra họ không thể thấy có hạnh phúc nào hơn. Nhưng còn về các mức độ thấp hơn cùng các manh ý nhất thời của tình lụy thì hàng ngày chả ai lại không từng mục kích, và nếu như còn trẻ, lại còn thường cảm thấy ngay trong lòng mình.
Do đó, theo như những gì tôi vừa nhắc nhở, người ta không còn có thể nghi ngờ gì về cái thực tính và tầm quan trọng của tình lụy, và vì thế, thay vì ngạc nhiên rằng một triết gia lại lấy cái đề tài cố hữu kia của các nhà thơ là đề tài của mình, người ta tốt hơn nên ngạc nhiên rằng một đề tài hằng đóng một vai trò quan trọng đến thế trong đời sống con người cho đến nay có thể nói là chưa từng được các triết gia nghiên cứu đến, và đối với chúng ta vẫn còn là một chất liệu mà chưa ai đem phân tích. Người từng quan tâm đến nó nhất là Platon, đặc biệt trong cuốn Banquel và Phèdre; tuy nhiên những điều ông đưa ra mới thuộc địa hạt huyền thoại, hoang đường và bông lơn, và nhất thiết chỉ liên quan đến cái đồng tính luyến ái của Hy Lạp, Chút ít mà Rousseau[6] có nói trong cuốn Luận về bất bình đẳng (Discuors sur l’Inégalité) vừa không đúng vừa thiếu sót. Đoạn của Kant, trong tiết thứ ba luận về “cảm thức cái đẹp và cái cao cả” rất ư phiến diện và có phần sai lạc vì thiếu xét đoán. Sau hết, chắc ai cũng nhận thấy cách thức của Platner bàn về vấn đề trong cuốn Nhân chủng học của ông có phần nhạt nhẽo và kém cỏi. Trái lại định nghĩa của Spinoza[7] đáng được đơn cử để mua vui cho khán giả vì tính chất ngớ ngẩn lạ kì của nó như: Amor est titillatino, concomitante idea causae externae (Tình yêu là sự kích thích đồng thời là một ý niệm do bên ngoài phát khởi).
Do đó, tôi cũng phải viện đến các bậc tiền bối, cũng chẳng phải bác bỏ họ; vấn đề đến với tôi một cách khách quan và tự nó đặt mình vào toàn bộ quan niệm của tôi về thế gian. Vả lại, tôi cũng không chờ đợi một sự tán thưởng nào của những người đúng ra đang chìm lặn trong tình lụy và tìm cách đề cao các tình cảm của họ bằng những hình ảnh cao siêu và thanh khiết nhất: với những người này, quan niệm của tôi hẳn có vẻ quá thể xác, quá vật chất, trong khi thật ra nó rất siêu hình, rất siêu việt. Trước hết, xin họ biết cho rằng họ chắc không buồn để ý đến cái đối tượng hiện giờ đang gây hứng cho nguồn thơ châm biếm của họ nếu phải như nó được khai sinh mười tám năm về trước.
Thật vậy, mọi loại tình yêu, dù cho đượm vẻ thanh khiết cách mấy, cũng đều bắt rễ từ bản năng chủng tính, và chỉ là một bản năng chủng tính được xác định rõ rệt hơn, chuyên biệt hơn, và nói đúng ra, cá biệt hơn. Biết được cái chân lý này rồi, giờ đây ta hãy nghiên cứu vai trò quan trọng của tình ái trong mọi mức độ và sắc thái của nó, không những trong các vở kịch và các tiểu thuyết, mà còn trong cả đời sống thực tế; ta thấy rằng, cùng với cái ham sống, nó là động cơ mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất, nó luôn luôn thu hút được sự đóng góp bằng nửa năng lực và tư tưởng của thành phần trẻ nhất của nhân loại, nó là mục đích tối hậu của hầu hết các nguyện vọng của con người, nó có ảnh hưởng tai hại đối với các vụ quan trọng nhất, làm gián đoạn bất cứ lúc nào những công cuộc đứng đắn nhất, đôi khi làm bối rối các đầu óc vĩ đại không nhiều thì ít, nham nhở len lỏi vào các cuộc thương lượng của các chính khách cùng các cuộc tìm tòi của các nhà bác học để làm họ rối trí, lại còn dở cả trò luồn các thư tình và mớ tóc vào cặp da tổng trưởng, vào các bản thảo triết học, đã thế còn hàng ngày âm mưu những cuộc xung đột hết sức rối rắm, hết sức trầm trọng, gỡ bỏ những liên hệ quý báu nhất, cắt đứt những sợi ràng buộc bền bỉ nhất, khi thì hy sinh tính mạng và sức khỏe, khi thì hy sinh tiền của, danh vọng và hạnh phúc, thôi thì đủ thứ! Khiến con người xưa nay lương thiện trở thành kẻ bất lương, con người xưa nay chung thủy thành kẻ phản bội, - nghĩa là nói chung hành động chẳng khác nào con quỷ thù nghịch, cố làm xáo trộn hết, làm rối loạn hết, làm đổ vỡ hết, - khiến người ta phải thốt lên: tại sao phải ồn ào đến thế? Tại sao phải lăng xăng, hùng hổ, lo âu và khốn khổ đến thế? Tựu trung cũng chỉ là mỗi chàng tìm cho được mỗi nàng: tại sao chuyện nhỏ mọn như thế lại đóng một vai trò quyết định đến thế và không ngớt làm rắc rối, làm xáo trộn hẳn trật tự của nếp sống con người? - Nhưng tinh thần chân lý dần dà đưa lại lời giải đáp cho người dày công tìm kiếm: đây chẳng phải là một chuyện nhỏ mọn; trái lại tầm quan trọng của nó rất tương xứng với sự hao tâm tổn trí mà người ta thường dành cho nó. Cứu cánh tối hậu của mọi chuyện tình, dù sang hay hèn, thật ra vẫn quan trọng hơn mọi mục đích khác của đời sống con người và do đó đáng được mỗi người theo đuổi nó một cách vô cùng thành khẩn. Cái được quyết định như thế thật ra chẳng qua chỉ là sự cấu tạo thế hệ sau. Sự hiện diện và bản chất của các diễn viên sẽ lên sân khấu thay ta cũng do các chuyện tình lăng nhăng đó xác định. Cũng như sự hiện diện, cái Hiện hữu, của các nhân vật tương lai hay dở ra sao cũng tùy ở bản năng chủng tính của chúng ta nhận xét theo thể thức tổng quát của nó, cũng như yếu tính, cái Tinh túy của họ tùy ở sự lựa chọn của cá nhân trong sự thỏa mãn bản năng ấy, nghĩa là tình ái, và do đó được an bài về mọi mặt. Đó là chìa khóa của vấn đề: ta sẽ biết nó rõ hơn bằng cách dùng nó, khi ta trải qua mọi mức độ của tình cảm yêu đương, từ cái thoáng yêu cho đến cái yêu mãnh liệt đắm đuối, và rồi lúc đó ta sẽ hiểu rằng sở dĩ nó thiên biến vạn hóa cũng vì mức độ lựa chọn thiên biến vạn hóa của từng cá nhân.
Vì thế cho nên, đối với toàn thể nhân loại, toàn bộ các vụ tình sử là sự nghiêm trọng suy tư về sự cấu tạo thế hệ tương lai, vì từ thế hệ này sẽ tùy thuộc hằng hà sa số thế hệ khác (meditatio compositionis generationis futurae, e qua iterum pendent innumerae generatines). Do đó, ở đây cũng như ở bất cứ trường hợp nào khác, vấn đề chẳng phải là sự hạnh phúc và sự bất hạnh của các cá nhân, mà là sự sống còn và thể cách đặc biệt của nhân loại mai sau, làm sao cho ý chí cá nhân ở vào mức độ cao nhất của nó biểu thị như là ý chí của chủng loại: điều này vô cùng quan trọng và là cái xúc động, cái trác tuyệt của mọi tình sử, là cái tính chất siêu việt của những niềm vui sướng và đau khổ của nó, mà các nhà thơ vạn thuở đến nay hằng không ngớt mô tả trong không biết bao nhiêu câu chuyện. Không đề tài nào hấp dẫn bằng đề tài này, vì nó liên quan đến cái sướng cái khổ của chủng loại, và do đó liên quan đến mọi đề tài khác dính líu đến cái hạnh phúc riêng của cá nhân, cũng như vật thể liên quan đến bình diện phẳng vậy. Vì thế cho nên, một vở tuồng lại thiếu chuyện tình tứ thì không thể hấp dẫn, và cũng vì thế mà đề tài kia không bao giờ nhàm chán, dù được sử dụng hàng ngày.
Cái gì biểu lộ trong tâm thức cá nhân như là bản năng chủng tính đơn thần mà không nhắm vào một cá nhân nhất định nào thuộc giới kia, cái đó tức là cái muốn-sống nhận thức ở tự nó và ngoài hiện tượng. Nhưng cái gì mà phát hiện như là bản năng hướng về một cá nhân nhất định, cái đó tức là ý chí sống dưới hình thức một cá nhân được xác định rõ ràng. Nhưng, trong trường hợp này, bản năng chủng tính, dù chỉ là nhu cầu chủ thể đơn thuần, thừa biết cách khoác lấy mặt nạ ái mộ khách quan để lừa bịp tương tri, vì bản chất cần sử dụng đến mánh khóe để đạt đến các cứu cánh của mình. Rằng tuy nhiên, dù cho sự ái mộ kia có khách quan và cao cả đến đâu chăng nữa, ở mỗi tình cảm yêu đương thật ra chỉ có ý định tạo ra một cá nhân mang một bản chất nào đó, điều này được xác nhận ngay từ đầu ở chỗ điều thiết yếu chẳng phải là được yêu lại, mà là chiếm được, nghĩa là được lạc hưởng thể xác. Biết chắc được yêu mà thiếu lạc hưởng thể xác thì cũng chẳng vui gì; có lắm kẻ, trong trường hợp này, đã tự bắn vỡ sọ. Trái lại, một kẻ rất si, nếu không tài nào được yêu, chỉ cần được chiếm, nghĩa là được hưởng lạc thú nhục dục. Chứng minh cho điều này là những cuộc hôn nhân cưỡng ép, là người đàn bà, dù ghê tởm, vẫn bán mình lấy những tặng phẩm quý giá hay vì hy sinh này khác, là những vụ hiếp dâm. Rồi một đứa bé nhất định nào đó được tạo ra, đó mới là cái mục đích thực sự, mặc dầu các đương sự không muốn biết đến, của mọi câu chuyện tình, còn cách thức cùng các phương tiện để đạt đến nó là phụ. Dù cho các tâm hồn cao thượng và mẫn cảm, nhất là các tâm hồn đa tình, có phẫn nộ trước tính chất thực tế phũ phàng của quan niệm của tôi đến đâu đi nữa, họ vẫn lầm. Vì sự xác định cho đúng cái thế hệ kế tiếp phải chăng lại không là một cứu cánh cao thượng hơn, cao quý hơn là cái cứu cánh của các tình cảm siêu việt của họ và của các bong bóng xà bông vô hình của họ? Thử hỏi, trong các cứu cánh thế tục, còn có cứu cánh nào lại quan trong hơn, lại vĩ đại hơn? Chỉ có mó mới phù hợp với mức sau của tình yêu say đắm, với thái độ nghiêm trọng của tình yêu ấy, với cái quý giá mà tình yêu ấy gán cho cả những cái vụn vặt liên quan đến mình và quy định mình. Chỉ khi nào ta thừa nhận rằng đó là mục đích thực sự của mình thì các khó khăn, các cố gắng và các đau khổ vô hạn để chiếm được người mình yêu mới có vẻ như thích ứng với tình trạng. Vì chính là thế hệ tương lai với tất cả sự nhất quyết cá biệt của nó đòi được ra đời qua các mưu mô và cố gắng ấy. Phải, nó đã tự bộc lộ ngay trong sự lựa chọn rất ư thận trọng, rất ư chính xác, rất ư bướng bỉnh khi người ta tìm sự thỏa mãn bản năng chủng loại mà người ta gọi là ái tình. Thái độ luyến ái gia tăng của đôi nhân tình thực ra đã là ý chí sống của cá nhân mới mà họ có thể và muốn cấu sinh; hơn nữa, sinh tính mới mẻ của nó đã chớm nở ngay khi bốn mắt giao nhau đầy khát vọng, và tự khẳng định như một cái tính mà trong tương lai sẽ điều hòa và chu đáo. Họ cảm thấy muốn phối hợp thực sự, muốn hòa mình thành một thể độc nhất để rồi chỉ sống trong cái thể ấy, và khát vọng của họ được toại khi cá thể do họ cấu tạo được sinh ra và lưu tồn ở nó các đặc tính di truyền của cả hai người pha trộn và hòa hợp vào một cá nhân duy nhất. Ngược lại, sự thù ghét quyết liệt và dai dẳng giữa một người đàn ông và một cô gái cho thấy rằng kẻ mà họ sinh thành không thể gì khác là một kẻ vô tổ chức, thiếu cân đối nội tâm, khốn khổ. Việc Calderon[8], tuy mệnh danh Sémiramis[9] là con gái của không khí, lại giới thiệu nàng như là kết quả của một vụ hiếp dâm sau đó người chồng bị sát hại, do đó có một ý nghĩa sâu sắc.
Nhưng cái gì rốt cuộc thu hút hai cá thể khác giống vào với nhau một cách hết sức mãnh liệt và độc quyền như thế, đó chính là cái muốn-sống hiện tại trong toàn thể chủng loại, nó thực hiện sẵn trước một cuộc khách thể hóa, bản thể của nó phù hợp với các ý định của nó, vào cái cá nhân mà hai con người kia có thể cấu sinh. Vì cá nhân này sẽ thừa hưởng của cha về ý chí hoặc tính tình, của mẹ về trí tuệ, của cả hai về thể chất; tuy nhiên, hình dáng thường thì theo cha, vóc vạc thường thì theo mẹ, phù hợp với định luật thường biểu lộ trong việc lấy giống thú vật buộc rằng với vóc vạc của bào thai là tùy ở vóc vạc của tử cung. Tình yêu đắm đuối đặc biệt và cá biệt của đôi nhân tình cũng khó hiểu như cá tính khác biệt và độc đáo của mỗi người vậy; và xét cho cùng thì vấn đề trong hai trường hợp đều chỉ là một: cá tính thì lồ lộ, tình yêu thì ẩn tàng. Đúng ra phải coi cái lúc mà đôi cha mẹ bắt đầu yêu nhau là lúc chớm nở kì thủy của một cá nhân mới và là điểm lộ (punctum saliens) của đời sống hắn, và như tôi từng nói, chính trong khi bốn mắt giao nhau đầy khát vọng và quyến luyến lấy nhau là khi con người mới nẩy mầm; đành rằng thường thì mầm bị hủy hoại, cũng như tất cả các mầm khác. Cá nhân mới này có thể nói là một ý niệm mới (theo Platon); và cũng như mọi ý niệm đều hung hăng muốn biểu hiện thành một hiện tượng bằng cách bấu víu lấy cái vật chất mà luật nhân quả phân phối giữa chúng, thì cái ý niệm đặc biệt của một cá tính người này cũng thế, cũng muốn biểu hiện mình thành hiện tượng một cách hết sức khao khát và mãnh liệt. Thái độ khao khát và mãnh liệt này, chính là tình yêu đắm đuối của cha mẹ tương lai. Tình yêu này gồm hằng hà sa số mức độ, nhưng tựu chung khi nào cũng là một. Trái lại, về mức độ, tình yêu càng mãnh liệt, nếu càng cá biệt hóa nghĩa là cá nhân được yêu, nhờ ở thể chất và các đặc tính của mình, càng có khả năng độc quyền thỏa mãn khát vọng của tình yêu và nhu cầu mà cá tính riêng biệt của người yêu quy định. Nhưng sau đây chúng ta sẽ nhận định rõ hơn điều này. Tình ý trước hết và nhất thiết nhằm vào sức khỏe, sức mạnh và sắc đẹp, do đó cũng nhắm vào tuổi trẻ, bởi vì ý chí trước hết, đòi hỏi biểu thị rõ rệt cái đặc tính của nhân loại như là căn bản cho mọi cá tính; chim chuột lăng nhăng không đòi hỏi thế. Sau đó còn có những đòi hỏi đặc biệt hơn, mà chúng ta sẽ luận kĩ hơn, và càng đòi hỏi, mối tình càng tăng, nếu như cái đòi hỏi ấy thấy có cơ được thỏa mãn. Nhưng các mức độ cao nhất của nó nảy sinh từ sự phù hợp giữa hai cá tính với nhau, và nhờ sự phù hợp này mà ý chí, nghĩa là tính tình của người cha và trí tuệ của người mẹ được phối kết để hoàn thành chính cá nhân kia mà cái muốn-sống tự tại, hiện diện ở toàn thể chủng loại, cảm thấy khát khao; ý muốn càng mạnh thì khát khao càng mạnh và do đó vượt qua các giới hạn của trái tim thông thường, vì chưng duyên cớ của nó vượt qua khả năng của trí tuệ cá nhân. Đó là linh hồn của một tình yêu vĩ đại và chân chính. - Và nếu hai cá nhân càng cân xứng, trên các quan điểm này khác mà chúng ta sẽ bàn đến sau, tình yêu nhau lại càng tha thiết. Vì chưng không thể có hai cá nhân hoàn toàn như nhau, nên phải một người đàn bà hẳn như thế nào mới tương xứng hoàn toàn với một người đàn ông hẳn như thế nào, - dĩ nhiên trên phương diện của kẻ được cấu sinh. Mối tình thực sự tha thiết cũng hiếm có như sự gặp gỡ giữa hai người hoàn toàn tương xứng. Nhưng vì dù sao khả tính của một mối tình như thế vẫn hiện diện ở mọi người, nên ta thông cảm được các mối tình diễn tả trong các thi phẩm. - Vì chưng tình yêu thực ra quan tâm đến cá thể cần cấu sinh cùng các đặc tính của cá thể ấy, và vì chưng đó là bản chất cốt yếu của nó, nên giữa hai người nam nữ đều trẻ đẹp, vì tâm đầu ý hiệp, vì tính tình tương hợp, có thể có một mối tình bạn, chả cứ phải đi đến tình dục xác thịt mà có khi họ còn ghê tởm tình dục xác thịt là khác. Chứng minh cho điều này là một đứa trẻ do họ cấu sinh có thể có một bản chất không mấy cân đối về thể xác cũng như tinh thần, nội tâm lại là sự hiện hữu cũng như cấu thể của nó không đáp ứng cái cứu cánh của cái muốn-sống, như được biểu thị ở chủng loại. Trong trường hợp trái ngược, nghĩa là khi có sự xung khắc về tình cảm, về tính tình cũng như tư tưởng, đến mức còn thù ghét nhau, tình dục xác thịt tuy nhiên vẫn có thể bộc phát và tồn tại; nếu lại mù quáng bất chấp mọi sự kiện khác, nếu lại còn đi đến hôn nhân thì cuộc hôn nhân sẽ là một oan trái.
Comments