Cho đến nay tôi chỉ mới quan tâm đến các điều tuyệt đối, nghĩa là những điều có giá trị cho mọi người; giờ thì tôi đề cập đến những điều tương đối và cá biệt: vì chúng có khuynh hướng sửa chữa các khiếm khuyết cùng các bất thường so với tiêu thức loại thuộc đã có sẵn ở ngay con người của kẻ lựa chọn, và do đó đưa chúng trở lại với sự biểu hiện thuần túy của tiêu thức lí tưởng. Vì thế mà trên phương diện này, người ta ai nấy đều yêu nhưng cái gì mà mình thiếu sót. Vốn khởi sự từ một cấu thể cá nhân và nhắm vào một cấu thể cá nhân, sự lựa chọn dựa trên các điều nhận xét tương đối loại này, được xác định hơn nhiều, quyết liệt hơn nhiều và độc chiếm hơn nhiều là sự lựa chọn phát xuất từ các nhận xét tuyệt đối; tình yêu say đắm thực thụ do đó thường bắt nguồn từ các nhận xét tương đối, và chỉ có tình yêu thông thường vốn dĩ nhẹ nhàng hơn, mới phát xuất từ các nhận xét tuyệt đối. Vì vậy cho nên, thường tình chẳng phải các sắc đẹp đều đặn nhất, hoàn toàn nhất, là những sắc đẹp gây nên tình yêu cuồng si. Muốn phát sinh ra một tình yêu thực sự cuồng si như thế, cần phải có một yếu tố chỉ có thể diễn tả được bằng một ẩn dụ mượn của hóa học là: hai người phải trung hòa lẫn nhau như toan với kiềm trong một chất diêm trung hòa. Các yếu tố quyết định cần thiết ở đây phải là những yếu tố sau đây: thứ nhất: mọi dục tính là sự ưu thắng của một phương diện độc nhất. Biệt tính này được biểu lộ sắc sảo hơn và cao độ hơn ở cá nhân này hơn là cá nhân kia; do đó nó có thể được bổ khuyết và trung hòa do một cá thể nào đó chứ không phải cả thể nào khác thuộc giới kia; cần phải có một biệt tính của mình, để hoàn tất tiêu thức nhân loại ở cá thể mới được cấu sinhvà tựu trung mọi sự khi nào cũng đều nhắm vào sự cấu tạo cá thể ấy. Các nhà sinh lý học được biết vô số các trình độ của các tính tình nam và nữ có trình độ suy đốn đến mức phát sinh hiện tượng ghê tởm là đàn bà biến thành đàn ông, hoặc vươn cao đến mức phát sinh hiện tượng đàn ông hóa thành đàn bà duyên dáng; trong cả hai trường hợp đều có thể đi đến hiện tượng hoàn toàn lưỡng tính, tức là trường hợp những kẻ đứng giữa hai giới, chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ, nên không thể sinh sản. Muốn cho hai cá nhân trung hòa được lẫn nhau, trình độ tính tình nam giới của người đàn ông phải tương đối đúng mức với trình độ tính tình nữ giới của người đàn bà; có thế hai tính tình mới triệt để bổ khuyết lẫn nhau. Do đó mà người đàn ông có nam tính nhất đi tìm cho được người đàn bà có nữ tính nhất và ngược lại, do đó mà mỗi cá nhân lại đi tìm cho được một cá nhân chủng tính tương hợp với trình độ chủng tính của mình. Đến mức nào thì sự tương hợp giữa họ tốt đẹp hơn cả, điều này bản năng giúp họ cảm thấy, và cảm thức này, với những điều nhận xét của nó, đưa đến các mức độ cao cả của tình yêu. Vì vậy mà đôi nhân tình tuy ngoài miệng ca tụng sự hòa hợp của tâm hồn họ, nhưng thường thì tựu trung chỉ là vấn đề tương hợp nói đây liên quan đến cá thể được cấu sinh sao cho toàn vẹn; điều này quả thực quan trọng hơn là sự hòa hợp của hai tâm hộn mà sau khi lấy nhau thường thoát hóa thành một sự tương khắc nẩy lửa. Ngoài ra còn có những điều nhận xét phụ dựa vào sự mong muốn của mỗi người là nhờ người bạn tình của mình mà mình sẽ triệt bỏ được những nhược điểm, khiếm khuyết cùng những lệch lạc của mình đối với tiêu thức loại thuộc, khiến chúng không lưu tồn được ở đứa con mình sẽ sinh ra phát triển đến mức thành những dị trạng. Người đàn ông càng yếu càng tìm những người đàn bà mạnh; người đàn bà cũng thế. Nhưng vốn dĩ trời sinh có một thế lực yếu hơn, nên người đàn bà thường thích những người đàn ông có sức lực dồi dào nhất. - Một điều nhận xét quan trọng nữa là vóc vạc. Đàn ông nhỏ thó thích đàn bà to lớn và ngược lại; và người đàn ông nhỏ thó càng thích người đàn bà to lớn khi bố mình vốn người to lớn nhưng sở dĩ mình nhỏ thó là vì ảnh hưởng mẹ; vì anh ta đã thụ nhận ở bố một bộ máy tuần hoàn và năng lực đủ để cung cấp huyết thống cho một thân hình to lớn; trái lại, nếu như bố anh và ông nội anh lại nhỏ thó, thì ý thích của anh cũng nhẹ bớt. Sở dĩ đàn ông to lớn không ưa đàn bà to lớn cũng chỉ vì thiên nhiên không muốn có một chủng loại quá lớn, và cứ theo như sức lực mà người đàn bà phải vận dụng thì một chủng loại to lớn quá như thế sẽ yếu đi và không sống lâu được. Tuy nhiên nếu người đàn bà to lớn lại chọn một ông chồng to lớn để trông cho được vừa đôi phải lứa chẳng hạn, thì theo thường lệ, con cháu sẽ phải chịu lấy các hậu quả của sự ngu xuẩn này. - Thêm nữa, yếu tố nước da cũng đóng một vai trò quyết định. Tóc vàng tuyệt đối đòi cho được tóc đen hay tóc nâu, nhưng ít khi có trường hợp ngược lại. Chỉ vì tóc vàng và mắt xanh cũng là một biến tính đặc biệt rồi, gần như là một dị trạng cũng giống như di trạng của chuột bạch, hay ít ra cũng như dị trạng tóc bạc. Tóc vàng mắt xanh là đặc tính mà ngoài Âu châu ra, không còn thấy ở một lục địa nào khác, ngay cả vùng lưỡng cực, và là đặc tính phát xuất từ miền Scandinavie. Ở đây tôi xin nói qua một ý kiến của riêng tôi: màu da của con người bản nhiên không phải trắng, mà đen hay nâu, như tổ tiên chúng ta là người Ấn Độ; do đó người ban sơ bản sinh không trắng, vì thế nên không có giống da trắng, dù cho người ta từng nói rất nhiều về giống này: người da trắng chỉ là một giống người da phai. Bị xô đẩy lên miền Bắc vốn dĩ xa lạ với nó, con người sống như cây cỏ lạ, và cũng như cây cỏ lạ cần phải có một nhà kính về mùa đông, nên dần dà với thời gian, con người trắng ra. Các người Tzigane, bộ lạc người Ấn tha hương cầu thực hàng bốn trăm năm nay, cho ta thấy sự chuyển tiếp giữa màu da người Ấn với màu da chúng ta. - Trên địa hạt tình ái, bản chất do đó thiên về tóc sẫm mắt nâu vốn là tiêu thức bản sơ, còn da trắng chỉ là một biến trạng - dù sao cũng chưa đến mức ta không ưa làn da nâu của người Ấn. - Sau hết, đối với các bộ phận của thân thể, người ta ai nấy cũng tìm cái gì khả dĩ làm dịu bớt cho bộ phận ấy. Đó là lý do tại sao dân mũi tẹt lại mê mũi nhọn hay mỏ quạ: đối với các bộ phận khác cũng thế cả. Kẻ mình dây chân tay dài lêu nghêu, có thể cho một thân hình lùn chùn chụt hay chân tay ngắn ngủn là đẹp hơn. - Yếu tố tính khí cũng tác động y hệt: người ta thích những tính khí tương phản với mình, nhưng đúng ra, chỉ khi nào người ta có một tính khí đặc biệt hẳn. - Người hoàn toàn về một phương diện nào đó có lẽ không thích kẻ lại khiếm khuyết hẳn về phương diện ấy, nhưng lại dễ thích ứng với khiếm khuyết ấy hơn các người khác; thật vậy, chính họ cũng tránh không muốn con cái mình mắc phải khiếm khuyết này. Chẳng hạn người da rất trắng không chê da vàng; nhưng người da vàng lại cho da trắng là tuyệt. Sở dĩ có trường hợp ngoại lệ một người đàn ông lại si mê một người đàn bà mà ai cũng thấy là xấu, cũng vì, khi đã có sự tương hợp đúng mức về chủng tính như đã nói đến ở trên rồi, thì tất cả các dị trạng của người đàn bà kia lại chính là cái tương phản, tức là cái làm dịu bớt các dị trạng của họ. Thường thì trong trường hợp này tình yêu đạt đến mức độ cao.
Sở dĩ ta quan sát ngắm nghía thật kỹ càng thận trọng từng bộ phận một cái thân hình của người đàn bà, cũng như họ quan sát ta, sở dĩ ta phê bình gắt gao một người đàn bà mà ta bắt đầu ưng ý, sở dĩ ta nhất quyết một mực tuyển chọn họ, sở dĩ anh chàng chăm chú nhìn vị hôn thê của mình, sở dĩ anh muốn mình không bị lừa về mọi phương diện, sở dĩ anh hết sức quan tâm đến từng khuyết điểm, từng thái quá của các bộ phận thiết yếu, - tất cả cũng chỉ để thích ứng với tầm quan trọng của cứu cánh. Thật vậy, cá thể được cấu sinh sẽ phải mang lấy suốt đời bộ phận này hay bộ phận nọ giống như của cha mẹ nó; chẳng hạn nếu người mẹ dù chỉ hơi có tật, đứa con rất có thể gù lưng, - hay này khác. - Dĩ nhiên ta đâu có ý thức chu đáo đến thế; ai nấy thường chỉ tưởng rằng sở dĩ mình lựa chọn gắt gao như thế là để sướng cái thân mình (thực ra cái sướng này có bận tâm gì đến những cái rắc rối kia), nhưng thật ra mình làm đúng theo sự đòi hỏi của quyền lợi của chủng loại, dựa theo hình thể của chính mình, vì sứ mạng kín của chúng ta là bảo tồn tiêu thức loại thuộc sao cho thật thuần túy. Ở đây vô tình cá nhân đã hành động theo mệnh lệnh của thực tại ở trên mình, tức là chủng loại, - do đó mà nó quý báu những sự vật mà nó, với tư cách là một cá nhân riêng biệt, có thể hoặc lẽ ra chả cần đếm xỉa đến. - Ở cái thái độ nghiêm trọng thâm trầm, vô thức của đôi trai gái quan sát nhau buổi ban đầu, ở cái nhìn soi bói như muốn đi sâu vào nhau, ở sự chú ý đến từng ly từng tí một những cái gì là đặc tính của nhau, quả có một cái gì thật là kỳ lạ. Vì sự soi bói quan sát kia chính là sự trầm tư của tinh thần chủng loại về cá thể có thể cấu sinh do sự môi giới của họ về sự sắp xếp các đặc tính của nó. Mức độ thiện cảm và khao khát giữa đôi bên tùy thuộc vào kết quả của sự soi bói kia. Sau khi lên tới một cường độ đáng kể, khao khát nọ có thể bỗng nhiên lại tắt ngúm, chỉ vì khám phá ra một đặc tính xưa nay chưa được thấy. - Vì vậy cho nên ở mọi người có khả năng cấu sinh, tình thần chủng loại đều trầm tư về thế hệ tới sau. Sự cấu tạo thế hệ này là công trình vĩ đại của thần ái tình không ngừng hoạt động, không ngừng tính toán và sáng chế. Trước một công việc lớn lao như thế, liên quan đến chủng loại và toàn thể các thế hệ tương lai, tất cả các mục tiêu phù du của cá nhân quả thật vụn vặt; vì vậy mà thần ái tình lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh chúng không thương tiếc. Vì sự quan hệ giữa thần với chúng là quan hệ giữa một vị bất tử với những kẻ tất tử, sự quan hệ giữa các mối quan tâm của thần với các mối quan tâm của họ ví như vô hạn với hữu hạn. Ý thức được rằng mình phải điều hành những công việc có một tính chất cao cả hơn mọi công việc chỉ liên quan đến an lạc cá nhân, thần tận tụy làm nhiệm vụ với cả một bình thản tối đại, giữa cái ồn ào của chiến tranh, hay trong sự náo nhiệt của công việc, hoặc giữa cái tai họa của ôn dịch, và thừa hành nhiệm vụ ngay cả trong cảnh cô liêu của ni viện.
Trên kia, ta đã được thấy rằng, cường độ của ái tình tăng theo mức cá thể hóa của nó, và chứng minh rằng, để sản xuất tiêu thức chủng loại sao cho tốt đẹp hơn cả, giữa bản tính thể chất của hai cá nhân thì bản tính của kẻ này phải bổ thể hoàn toàn đặc biệt và trọn vẹn cho bản tính của kẻ kia, khiến kẻ kia do đó chỉ khao khát có nó mà thôi. Trong trường hợp này, người ta đã thấy biểu lộ một tình yêu nồng nhiệt chả mấy lúc mang một bộ mặt thanh cao hơn vì lẽ nó nhắm vào một đối tượng độc nhất chuyên hữu và do đó tác động theo các chỉ thị đặc biệt của chủng loại, Ngược lại, bản năng tính dục đơn thuần là bỉ lậu, vì nó nhắm vào mọi kẻ bất kể cá nhân hóa, và chỉ có xu hướng bảo tồn chủng loại theo lượng mà không cần đến phẩm. Còn như cá nhân hóa, và cùng với nó là cường độ của tình yêu, có thể đạt đến mức khiến nếu không được hưởng cái lạc thú của tình yêu ấy, tất cả của cải trên thế gian, và ngay cả đời sống, cũng chẳng còn giá trị gì. Và khi đó, người ta chứng kiến một khát vọng càng ngày càng mãnh liệt, mãnh liệt hơn tất cả các nhu cầu khác, sẵn sàng hy sinh hết thảy, và nếu nhất thiết không được thỏa mãn, có thể đưa đến điên cuồng hay tự sát. Những điều vô thức hàm ngụ trong một tình yêu vượt mức như thế hẳn phải mang một tính chất khác với các điều đã được nhận xét trên kia và không biểu lộ cũng rõ ràng như thế. Do đó, ngoài phương diện hình thể ta còn phải giả thiết rằng ý chí của người đàn ông và trí tuệ của người đàn bà cũng phải được đặc biệt thích ứng với nhau để có thể cấu sinh ra một cá nhân duy nhất có đặc tính rõ rệt, một cá nhân mà lúc đó tinh thần chủng loại trù liệu cho hiện hữu, theo những nguyên do có liên hệ đến các vật tự tại mà ta chưa tài nào hiểu nổi. Hay nói đúng hơn: ở đây cái muốn sống đòi hỏi được khách thể hóa thành một cá nhân được xác định rõ rệt, chỉ có thể được sinh ra do người bố ấy và người mẹ ấy. Sự đòi hỏi siêu hình này của ý chí tự tại thoạt đầu không có phạm vi hoạt động nào khác trong cái liên tục chủng loại hơn là các trái tim của các bậc cha mẹ tương lai lúc đó bị khát vọng đòi hỏi kia xâm chiếm và tưởng đâu khao khát cho chính mình một cái mà lúc đó mới chỉ có một cứu cánh thuần túy siêu hình, nghĩa là lúc đó nằm ngoài các loạt sự vật thực sự đề ra. Vậy cái gì hiện ra trong trật tự hiện tượng cũng như mối nhiệt tình thanh cao miệt thị tất cả những gì ngoài nó kia giữa đôi cha mẹ tương lai, đó là cái xu hướng phát sinh từ nguồn gốc uyên nguyên của mọi sinh vật, của cá thể được cấu sinh, lúc đó mới trở thành có thể, muốn ra đời. Thật ra đây là một ảo ảnh có một không hai, thúc đẩy người đàn ông si tình có thể mang hết của cải trên thế gian để đổi lấy sự phối hợp với một người đàn bàn nào đó, - tuy rằng sự phối hợp ấy cũng chẳng đưa lại cho anh ta một lạc thú gì hơn là với một người đàn bà nào khác. Tuy nhiên, sở dĩ không có một mục đích nào khác cũng chỉ vì mối nhiệt tình thanh cao kia cũng bị khoái lạc dập tắt như bất cứ mối nhiệt tình nào, - điều mà các đương sự hết sức kinh ngạc. Mối tình cũng tắt khi, vì người đàn bà không thể sinh nở (theo Hufeland[11] có mười chín tật làm mất sinh nở), nên mục đích thật sự, mục đích siêu hình bị hụt, cũng như hàng ngày nó bị hụt khi hàng triệu triệu tinh trùng bị hủy hoại, vì trong các tinh trùng ấy cũng vẫn đều có cái nguyên lý siêu hình của sự sống, nó khao khát được hiện sinh. Để an ủi, ta chỉ còn biết bảo rằng: cả một không gian, một thời gian, cả một kho vật chất vô tận, được dành cho cái muốn sống sử dụng, tức là cả một cơ hội vô tận để làm lại.
Théophraste Paracelese là người chưa từng bàn đến đề tài này và không biết gì đến luận điệu của tôi, tuy nhiên cũng đã có lần dù rằng chỉ phớt qua, bất chợt được quan niệm trình bày nơi đây, vì với một lời lẽ khác hẳn và theo lối hành văn bất nhất của ông, ông từng nói lời sau đây, nghĩ cũng hay hay: Hi sunt, quos Deus copulavit, ut eam, quae fuit Uriea et Davit; quamvis ex diametro (sie enim sibi humana mens persuadebat) cum justo et legitimo matrimonio pugnaret hoc... se propter Salomonem, qui aliunde nasci non potuit, nisi ex Bethsabea, conjuncto David semine, quamvis meretrice, conjunxit eos Deus (De vita longa). (Đó là những kẻ mà Chúa ghép vào với nhau, như người đàn bà ghép cho Urie và cho David. Nhưng, theo đầu óc con người nhận định, sự ghép ấy lại chẳng có gì là một cuộc nhân duyên chính đáng và hợp pháp. Tuy nhiên, vì lẽ Salomon chỉ có thể được sinh ra do Bethsabée thụ thai vì tinh trùng của David, nên Chúa đã phối hợp họ với nhau, mặc dầu như thế là nàng phạm tội ngoại tình[12]).
Nỗi sầu tương tư mà các thi sĩ muôn đời không ngớt tả dưới thiên hình vạn trạng vẫn không hết, vẫn chưa đủ nói lên tầm quan trọng của nó, cái nỗi sầu ấy bắt người ta tưởng rằng chiếm được một người đàn bà nhất định nào đó là được hạnh phúc vô biên, và không chiếm được là đau khổ khôn nguôi. Khốn nỗi, cái tương tư ấy, cái đau khổ vì tình ấy lại không thể sống vào các nhu cầu của một cá nhân phù du; trái lại chúng là tiếng thở dài của linh hồn chủng loại, nó thấy đó là một dịp để chiếm được hay làm mất đi một lợi khí không sao thay thế được cho các cứu cánh của nó, nên mới thốt ra một tiếng rền rĩ thê thảm. Chỉ chủng lại mới trường tồn vô tận, nên chỉ có nó mới có được những ước nguyện vô tận, một thỏa mãn vô tận và những đớn đau vô tận. Nhưng các tình cảm ấy lại bị dồn vào tấm lòng chật hẹp của một kẻ tất tử: nên có gì là lạ khi kẻ này như muốn vỡ tung và không sao tìm ra lời diễn tả cái linh cảm ấy của một niềm vui vô tận hay một niềm đau vô tận tràn ngập lòng mình. - Và đó là một đề tài cho toàn thể thi ca hoa tình có tính chất thanh cao, không ngại sử dụng đến cả những ẩn dụ siêu việt, bay lượn trên mọi cái gì gọi là thế tục. Đó là đề tài của Pétrarque, đề tài của những Saint Preux, của những Werther, của những Jacques Ortis, mà nếu không có thế, sẽ không tài nào hiểu hay giải thích nổi. Vì cái giá trị gán cho người yêu không thể căn cứ vào các ưu điểm trí tuệ, hoặc vào ngay cả những ưu điểm cụ thể, thực tế, dù rằng vì chàng không biết rõ người mình yêu: đó là trường hợp của Pétrarque. Chỉ có tinh thần chủng loại mới có thoáng nhìn đã biết được nàng có giá trị gì đối với chàng, nghĩa là đối với các cứu cánh của nó. Vả lại các mối tình đắm đuối thường nảy sinh từ cái nhìn đầu tiên:
Who ever lov’d that lov’d not at first sight?
(Ai yêu mà lại chẳng yêu ngay từ lúc mới thoạt nhìn?)(Shakespeare, As you like it).
Về quan điểm này, đáng kể là đoạn văn sau đây trong cuốn tiểu thuyết Guzman d’Alfarache của Mateo Aleman[13], nổi danh hàng hai trăm năm mươi năm nay: No es necessario, para que uno ame, que pase distancia de tiempo, que siga discurso, ni haga eleccion, sino que con aquella primera y sola vista, concurran juntamente cierta correspondencia ô consonancia, o lo que aca solemos vulgarmente decir, una confrontacion de sangre, à que por particular influxo suelen mover las astrellas.
(Khi đã yêu, người ta chả cần phải để lâu, phải suy nghĩ, phải chọn lựa; nhưng ngay từ cái nhìn đầu, nhìn một cái thôi cũng đủ cho hai lòng giao hợp, hay cái mà ta thường gọi là tương cảm máu huyết, một sự tương cảm thường được một sự ảnh hưởng của các sao kích thích). Vì thế cho nên khi mất người yêu, hoặc vì địch thủ hay vì tử thần, đối với kẻ yêu say đắm, đó là một nỗi đau khổ hơn hết, vì là một đau khổ có tính chất siêu việt, ở chỗ không những nó chỉ đập vào cá tính của hắn, mà còn xúc phạm đến cả cái yếu tính vĩnh cửu của hắn, đến sự sinh tồn của chủng loại, của ý chí đặc biệt và của cái mệnh lệnh của ý chí giao phó sứ mạng cho hắn. Vì thế mà khi ghen, người ta đau khổ thật là khủng khiếp và phải chăng cái hy sinh lớn lao nhất là nhường người mình yêu cho kẻ khác. - Kẻ anh hùng cho rên rỉ là xấu hổ, trừ rên rỉ vì tình; vì khi rên rỉ vì tình, không phải họ, mà chính là chủng loại rên rỉ. Trong vở Grande Zénobie của Calderon, vào hồi hai, có một cảnh giữa Zénobie và Décius, trong đó Décius nói:
Cielos, luego tu me quieres?
Perdiera cien mil victorias
Volvierme, etc…
(Trời ơi! Em yêu anh thật sao! Nếu vậy anh sẽ từ bỏ ngàn chiến thắng, anh sẽ trở về, v.v…)
Ở đây, danh vọng, cho đến bách chiến bách thắng, đã bị loại ngay khi ái tình, tức là quyền lợi của chủng loại, lâm cuộc và thắng hẳn hoi; vì quyền lợi của chủng loại, so với bất cứ quyền lợi nào khác dù quan trọng mấy đi nữa, cũng vẫn là tối thượng. Riêng đối với nó, danh vọng, bổn phận, thủy chung đều phải nhường bước sau khi đã chống lại mọi cám dỗ khác, kể cả sự đe dọa của thần chết. - Cũng vậy, trong đời sống riêng tư, trên điểm này người ta thường bất chấp lương tâm: đó là trường hợp của những người bình thường chân chính ngay thẳng lại trắng trợn ngoại tình một khi tình yêu say đắm, tức là quyền lợi của chủng loại, đã xâm chiếm họ. Mọi sự diễn ra như thể lúc họ tưởng mình đã ý thức được một cái gì còn chính đáng hơn là cái chính đáng của các quyền lợi cá nhân xưa nay; đó chính là vì họ hành động theo quyền lợi chủng loại. Trên điểm này, Chamfort[14] từng nói một lời đáng kể: khi một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau mãnh liệt, tôi thiết tưởng, dù cho có trở ngại gì ngăn cách đi nữa, chẳng hạn, chồng, cha mẹ, v.v… đôi tình nhân kia vẫn là của nhau, do định luật Thiên nhiên, họ vẫn thuộc về nhau thuận theo lẽ trời, bất chấp các luật lệ và công ước của con người. Những ai phẫn nộ về lời này xin hãy xem lại Thánh Kinh hẳn phải lấy làm lạ rằng Chúa cứu rỗi sẵn sàng tha thứ người đàn bà ngoại tình đến thế nào, vì cho rằng tội lỗi đó nằm sẵn ở trong lòng tất cả những kẻ có mặt. - Xét theo quan điểm này thì phần lớn vở Decameron chẳng khác gì là một sự diễu cợt và miệt thị ra mặt của tinh thần chủng loại đối với các quyền hạn cùng quyền lợi của các cá nhân mà nó chà đạp. - Khi các vấn đề môn đăng hộ đối, giai cấp chênh lệch, hay những hoàn cảnh éo le tương tự đứng ra ngăn cản sự phối hợp giữa đôi tình nhân yêu nhau tha thiết, tinh thần chủng loại cũng không thèm đếm xủa đến chúng và cho chúng là trò vụn vặt; một khi nó đã theo đuổi những cứu cánh liên quan đến hằng hà thế hệ thì nó đá tung các định chế cùng các cố chấp ấy của con người. Cũng vì cái lý do sâu sắc ấy mà khi yêu nhau say đắm người ta sẵn sàng mạo hiểm và con người bình thường rất nhút nhát lúc đó cũng đâm ra can đảm. - Trong các vở kịch cũng như tiểu thuyết, ta vẫn chứng kiến một cách khoái trá và thiện cảm những đôi trai gái chiến đấu cho mối tình của họ, nghĩa là cho quyền lợi của chủng loại, và chiến thắng các người già cả chỉ lo cho quyền lợi cá nhân. Vì cái nguyện vọng của đôi tình nhân đối với chúng ta hình như quan trọng hơn, cao cả hơn và do đó chính đáng hơn mọi cái đứng ra cản trở nó, ngay trong cái phạm vi mà chủng loại đáng kể hơn là cá nhân. Vì vậy, đề tài chính của mọi vở tuồng vẫn là sự can thiệp của tinh thần chủng loại với mọi mục đích của nó, va chạm với các quyền lợi riêng tư của các cá nhân được đề ra và do đó đe dọa phá hoại hạnh phúc của họ. Thường thì nó thắng, và điều này là thỏa mãn người xem vì nó phù hợp với công lý nên thơ, vì họ cảm thấy rằng các cứu cánh của chủng loại quan trọng hơn các cứu cánh của cá nhân nhiều. Vì thế cho nên, khi chung cuộc, trong lòng thư thái, người xem từ giã đôi tình nhân đội vòng chiến thắng, chia sẻ với họ cái ảo tưởng là đã xây dựng hạnh phúc riêng cho họ, trong khi chính ra họ đã hy sinh hạnh phúc của họ cho quyền lợi chủng loại, trái hẳn với ý kiến của các người già cả thấy xa. Trong vài vở tuồng đi lệch thường tình, người ta thử đảo ngược tình trạng và đặt ép hạnh phúc trên đầu các cá nhân bất chấp các ý định của chủng loại; thì người xem lại cảm thấy cái đau đớn mà tinh thần chủng loại đang đau, và ấm ức trước cái lợi mang đến cho các cá nhân. Tiêu biểu cho loại này, tôi có vài vở kịch ngắn rất quen thuộc như Nữ hoàng mười sáu (La Reine de seize ans) và Môn đăng hộ đối (Le mariage de raison)[15]. Trong các bi kịch diễm tình, đôi tình nhân, vốn dĩ là công cụ của tinh thần chủng loại, thường chết đi khi mà các hy vọng của chủng loại bị tiêu tan, chẳng hạn như trongRoméo và Juliette, Tancrède, Don Carlos, La Fiancée de Messine[16] v.v…
Tình cảm của một chàng si thường gây ra trò cười, đôi khi bi đát, trong cả hai trường hợp cũng vì tinh thần chủng loại xâm chiếm hắn, chế ngự hắn và ngăn cản khiến hắn không còn tự thuộc mình nữa; vì thế mà hành động của hắn không còn thích ứng với cá tính của hắn. Trên các cao độ của tình ái, tư tưởng của con người ta khoác một bộ mặt nên thơ và cao cả, và còn có cả chiều hướng siêu việt và siêu vật, nhờ đó con người ta hầu như quên hẳn mục đích thực sự của mình, một mục đích rất ư vật chất; chính ra lúc này, thâm tâm hắn đang bị chi phối do tinh thần chủng loại mà các mục tiêu còn vô cùng quan trọng hơn tất cả các mục tiêu chỉ liên quan đến các cá nhân mà thôi; nhân danh tinh thần chủng loại, con người có nhiệm vụ xây dựng sinh tồn cho cả một dòng dõi dài vô tận, mang cái bản chất được quy định rõ ràng mà nó chỉ có thể tiếp thụ ở người đàn ông đó là cha, và ở người đàn và mà người đàn ông đó yêu quý là mẹ, và nếu không thế thì không bao giờ nó lại sinh ra được ở cái đời mà cá thể hóa của ý chí đòi hỏi. Cái cảm thức hành động theo các mục đích có một tầm siêu việt như thế là cái nâng cao kẻ si tình lên đến mức vượt lên trên tất cả những gì là thế tục và vượt ra khỏi cả chính hắn, và khoác một bộ áo hết sức siêu tế của những dục vọng rất vật chất, khiến tình yêu trở thành một chuyện nên thơ ngay cả trong đời sống tầm thường nhất của con người; trong trường hợp này, câu chuyện đôi khi thành hài hước. Cái mệnh lệnh này của ý chí khách thể hóa ở chủng loại hiện ra trong ý thức của kẻ si tình dưới cái mặt nạ dự liệu một hạnh phúc vô biên, mà hắn sẽ được gặp trong sự phối hợp với người đàn bà riêng biệt nào đó. Ở vào những mức độ cao nhất của tình yêu, cái ảo tưởng này trở thành diễm lệ đến nỗi nếu ta không được đến gần nó, thì ngay cả đời sống cũng mất hết thú vị và từ đó trở đi hầu như trống rỗng quá, ảm đạm quá, vô vị quá, khiến ta chán ngấy đến coi thường cả cái chết; lúc đó người ta đòi tự ý hủy bỏ đời mình. Cái ý chí của một kẻ si tình khi đến thế đã bị lôi cuốn vào vòng nước xoáy của ý chí chủng loại, hoặc là ý chí chủng loại đã chế ngự ý chí cá nhân đến mức, khi đã không làm lợi được gì cho chủng loại thì ý chí cá nhân cũng không còn buồn làm lợi gì cho mình nữa. Trong trường hợp này, cá nhân là một cái chậu mong manh quá nên không chứa nổi cái khát vọng vô biên của ý chí nhân loại tập trung vào một đối tượng chính xác. Vì thế mà giải pháp là tự sát, đôi khi cả đôi nhân tình cùng tự sát; trừ phi để cứu mạng, thiên nhiên lại khiến người ta điên, dùng tấm màn điên để bao phủ ý thức kẻ tuyệt vọng. - Không năm nào lại không xảy ra rất nhiều vụ tương tự, xác nhận cho những gì tôi vừa nói là thật.
Comments