DANIIL KHARMS
(1905-1942)
Daniil Kharms (tên thật là Daniil Ivanovich Yuvachev) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Nga, sinh ra tại St. Petersburg. Thân phụ của ông là Ivan Yuvachev, một thành viên nổi tiếng của nhóm cách mạng “Nguyện Vọng Nhân Dân”. Daniil chào đời trong lúc thân phụ của ông đang bị cầm tù vì hoạt động chống sa hoàng. Sau này, chính Daniil lại bị cầm tù bởi chính quyền “cách mạng” của Stalin, rồi chết đói trong tù.
Từ năm 1924, Daniil Kharms bỏ trường đại học và dấn thân vào văn chương. Năm 1928, ông sáng lập nhóm OBERIU (Hiệp Hội Nghệ Thuật Thực Sự) với các thành viên là những nghệ sĩ tiền vệ triệt để. Chế độ Stalin không chấp nhận nghệ thuật của nhóm này, nên đã bắt nhốt Daniil Kharms vào năm 1931 và đày ông từ St. Petersburg đến Kursk. Năm 1932, ông được thả trở về St. Petersburg và vừa viết vừa sống nghèo đói lây lất cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào năm 1941. Họ nhốt ông trong trại tâm thần của nhà giam Leningrad số 1, và ông chết ở đó vào ngày 2 tháng 2 năm 1942, vì đói.
Năm 1962, một số tác phẩm ông viết cho thiếu nhi mới bắt đầu được ấn hành, và sau đó họ cho in một số truyện khôi hài của ông. Mãi đến năm 1987, chính sách glasnost mới cho phép xuất bản hàng loạt các tác phẩm chính của Daniil Kharms.
Nhà văn George Saunders nhận định: “Kharms nằm trong cùng một tủ sách với Tolstoy, Chekhov, và Babel... như một trong những nhà tiền phong vĩ đại của truyện ngắn đương đại. Trong thể loại này, truyện ngắn của ông sẽ là những tác phẩm ngắn gọn nhất, khôi hài nhất, và ở những phương diện nào đó, trung thực nhất... Truyện ngắn của ông gần như không có hình hài, nhưng vừa bạo động, buồn bã, vừa khoái hoạt và kinh hoàng trong cùng một lúc.”
Năm 1998, một số truyện cực ngắn và thơ của Daniil Kharms đã được Vladimir Miller và Alexandr Alexandrov phổ nhạc và thu vào đĩa CD, dưới nhan đề Kharms - 10 Incidents - Moscow Composers Orchestra.
_____________
VỀ TIẾNG CƯỜI
1. Lời khuyên cho các diễn viên hài.
Tôi nhận thấy một điều rất quan trọng là phải xác định điểm gây cười. Nếu bạn muốn tất cả khán giả đều cười, hãy bước ra sân khấu và đứng im lặng cho đến khi một người nào đó bật cười. Rồi đợi thêm một chút cho đến khi một người nào khác bật cười, và tiếng cười ấy phải lớn đủ để mọi người đều nghe. Tuy nhiên, tiếng cười này phải thật lòng. Khi tất cả những điều này đã diễn ra, thì bạn đã chạm đến điểm gây cười. Sau đó, bạn có thể tiến hành chương trình biểu diễn khôi hài của bạn và, hãy an tâm, chắc chắn bạn thành công.
2. Có vài kiểu cười khác nhau.
Có kiểu cười lưng chừng, khi tất cả khán giả đều cười, nhưng với âm lượng không lớn đúng mức. Có kiểu cười mạnh mẽ, khi chỉ một nửa số khán giả cười, nhưng với âm lượng tối đa, và nửa số khán giả còn lại vẫn im lặng vì, trong trường hợp này, tiếng cười chẳng có tác dụng gì cả đối với họ. Kiểu cười thứ nhất cần có thêm màn tạp hí do một nghệ sĩ tạp hí biểu diễn, nhưng kiểu cười thứ hai thì khá hơn. Còn những kẻ ngu xuẩn thì chả cần phải cười.
(1933)
VỀ MỘT LỐI TIẾP CẬN SỰ BẤT TỬ
Mỗi người có một lối riêng để tìm lạc thú, mà lạc thú thì luôn luôn hoặc là sự thoả mãn tình dục, hoặc là sự dư dật, hoặc là sự thủ đắc.
Nhưng chỉ có những gì nằm ngoài con đường dẫn đến lạc thú thì mới dẫn đến sự bất tử. Tất cả những hệ thống dẫn đến sự bất tử thì rốt cuộc tóm lại chỉ có một quy luật: tiếp tục làm những gì bạn không thích làm, bởi vì mọi người ai cũng cảm thấy thích ăn nhậu, hoặc thoả mãn cảm giác tình dục, hoặc thủ đắc một cái gì đó, hoặc tất cả những thứ này cùng một lúc. Thật là thú vị khi sự bất tử luôn luôn dính liền với cái chết và được nhiều tôn giáo khác nhau xem như một lạc thú vĩnh cửu, hay một nhục hình vĩnh cửu, hoặc như một sự đoạn tuyệt vĩnh cửu với cả lạc thú lẫn nhục hình.
(1939)
---------
Dịch từ bản Anh ngữ: "On Laughter" và "From 'A Tract More or Less According to a Synopsis of Emerson' On an Approach to Immortality", trong Daniil Kharms, Incidences, trans. Neil Cornwell (London: Serpent's Tail / five-star edition, 2006) 188, 194.
Comments